Mỗi ngày, sự tạ ơn dường biến mất dần. Nhà giải kinh Warren Wiersbe kể: sinh viên Thần học Edward Spence ở bang Illinois (Mỹ) làm nhân viên cứu hộ bán thời gian trên hồ Michigan. Năm 1860, một thuyền chở khách bị chìm, Edward Spencer cứu được 17 hành khách, riêng anh bị kiệt sức, qua đời. Thế nhưng trong đám tang anh, người ta không thấy một người nào trong số 17 người được anh cứu đến dự.
“Cứu vật, vật trả ơn; cứu nhơn, nhơn trả oán”, câu tục ngữ Việt Nam nói lên sự quên ơn, vô ơn của con người. Nhưng Lời Chúa dạy: “Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, TẠ ƠN cho mọi người” (I Ti-mô-thê 2:1).
Lòng biết ơn là nền tảng đạo đức Đức Chúa Trời đặt để trong lòng con người. Bình thường không ai, không xã hội, không nền văn minh nào thích người vô ơn, bội nghĩa.
Đức Chúa Jesus nổi tiếng với tấm gương tạ ơn: “Đức Chúa Jesus lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, TẠ ƠN rồi bẻ bánh ra trao cho môn đồ đặng phát cho đoàn dân…” (Mác 6:41)
Sống tạ ơn
Lời Chúa khuyến khích việc biết ơn: “Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể; lại phải BIẾT ƠN” (Cô-lô-se 3:15).
Trong tiếng Anh, tự điển Webster có rất nhiều từ, biểu hiện nhiều cung bậc của sự tạ ơn:
Thanks: cảm ơn, tạ ơn, biết ơn
Thanks Giving: Tạ ơn Chúa
Grateful: Tri ân
Obliged: Biết ơn
Thankful: Nhớ ơn
Appreciate: Cảm ơn công khó…
Grateful: Tri ân sự giúp đỡ…
Tribute: Biết ơn với lòng tôn kính
Trong tiếng Hê-bơ-rơ, tạ ơn là cảm nhận ơn phước Đức Chúa Trời. Trong tiếng Hy-lạp tạ ơn là ân tứ Chúa ban, vận hành trong người tin Chúa và được bày tỏ qua hành động tạ ơn.
Tóm lại tạ ơn là ghi nhận sự giúp đỡ giúp của người khác vào lòng, và tìm mọi cơ hội, mọi cách để bày tỏ lòng biết ơn qua lời nói, hành động, tinh thần; qua sự tận hiến, hy sinh, ngợi khen…
Chuyện kể rằng sau thế chiến 2, những người Do Thái bị Đức quốc xã bách hại còn sót lại, một số rời nước Đức, đến Hungary làm lại cuộc đời. Ngày nọ sau giờ thờ phượng, một người đến gặp Ra-bi phàn nàn: “Thầy ơi, hàng chục người chúng tôi phải sống trong căn phòng chật hẹp. Thầy có cách gì giúp không? Chúng tôi quá khổ sở…”. Họ quên mất những ngày tháng trong trại tập trung, hàng trăm người phải sống trong các xà lim đầy mùi chết chóc.
Vị Ra-bi khuyên: “Về bắt 1 con lừa bỏ vào phòng chung với các anh, tuần sau đến báo tôi xem thế nào”. Tuần sau, người Do Thái tức giận: “Thầy có điên không? Phòng 9 người chật chội còn bỏ thêm con lừa vào, hôi thối không chịu nổi!”. Vị Ra-bi tiếp: “Vậy thì về đem con lừa ra khỏi phòng rồi tuần sau đến gặp tôi”. Cuối tuần, người Do Thái gặp vị Ra-bi với khuôn mặt nhẹ nhõm hẳn: “Thật thoải mái vì trong phòng chỉ còn 9 người, không có thêm con lừa hôi thối nào nữa!”.
Con người thường không hài lòng, xem nhẹ những gì mình đang có và bực bội, khổ sở nghĩ đến những gì mình chưa có được. “Thanks Giving” hay “Thanks for Giving”, “Thanks is Giving”. Vì biết ơn nên ban cho, tận hiến, thật sự hiểu ý nghĩa của sự tạ ơn nên kinh nghiệm quyền năng của sự tạ ơn.
Tạ ơn vì mọi điều
“Hầu cho nức tiếng TẠ ƠN và thuật các công việc lạ lùng của Chúa” (Thi Thiên 26:7)
Mục sư Scotland – Alexander Whyte – nổi tiếng vì những lời cầu nguyện quyền năng – luôn lớn tiếng tạ ơn Chúa trước khi giảng. Một buổi sáng Chúa Nhật mưa gió bão bùng, tín hữu hữu chỉ còn một nửa. Một số người có mặt hôm ấy nghĩ: “Hôm nay Mục sư không thể tạ ơn Chúa vì mưa bão khiến tín hữu không đi nhóm”. Thế nhưng ông vẫn lớn tiếng: “Cảm tạ Chúa vì không phải ngày nào cũng mưa bão! Nguyện Chúa giữ gìn, ban phước cho những người không thể đến nhóm hôm nay!”
Lời Chúa nhắc: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ đối với anh em là như vậy” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18). Đặc ân của con dân Chúa là tìm thấy lý do trong mọi sự, mọi hoàn cảnh để cảm tạ Chúa. Nguyện Chúa giúp ta tìm kiếm ít nhất 1 điều để cảm tạ Ngài mỗi ngày thay vì phàn nàn, vì:
+ Sự cảm tạ đem ta đến gần Thiên Đàng (vì trên Thiên Đàng tất cả thiên sứ đồng thờ kính, cảm tạ Đức Chúa Trời suốt ngày đêm: “Khi các sinh vật lấy những sự vinh hiển, tôn quý, cảm tạ mà dâng cho Đấng ngự trên ngôi là Đấng hằng sống đời đời” – Khải huyền 4:9)
+ Sự cảm tạ nâng ta lên cao, đến gần ngôi ơn phước Chúa.
+ Sự cảm tạ lay động cánh tay quyền năng của Chúa, giải phóng con người: “Lối nửa đêm, Phao-lô và Si-la đương cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và những tù phạm đều nghe. Thình lình, có cơn động đất rất lớn, đến nỗi nền ngục rúng động; cùng một lúc, các cửa mở ra, xiềng tù phạm thảy đều tháo cả” (Công vụ 16:25-26)
+ Sự cảm tạ làm sáng danh Chúa, đem người khác đến với Ngài.
+ Khi ta thôi phàn nàn, phép lạ sẽ xảy ra.
“Hãy thường thường nhân danh Đức Chúa Jesus Christ TẠ ƠN Đức Chúa Trời – Cha chúng ta – vì mọi sự” (Ê-phê-sô 5:20)
Cách thức tạ ơn
“Mặc dầu anh em nói hay làm cũng phải nhân danh Đức Chúa Jesus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Cô-lô-se 3:17). Lời Chúa nhắc các tín hữu không cầu nguyện cho tới khi gặp chuyện: “Phải bền đỗ, tỉnh thức trong sự cầu nguyện, và thêm sự TẠ ƠN vào” (Cô-lô-se 4:2)
Khi Chúa Jesus chữa lành cho 10 người phung (Lu-ca 17:12-14), chỉ có 1 người trở lại cảm tạ Chúa, 9 người khác rất có thể vì các lý do sau:
+ Người thứ nhất phân vân đây có thực là phép lạ của Chúa hay do tình cờ, ngẫu nhiên, may mắn?
+ Người thứ 2 ngờ rằng không biết mình có được lành hẳn không?
+ Người thứ 3 mừng rỡ chạy vội về nhà khoe với gia đình, bạn bè, ăn mừng… trước, rồi sẽ đến cảm ơn Chúa sau.
+ Người thứ 4 nghĩ mình chưa chắc có bệnh
+ Người thứ 5 nghĩ chắc Chúa cũng chả nhớ, chả cần lời cảm ơn của mình đâu.
+ Người thứ 6 rối rít cảm ơn các thầy tế lễ đã xác nhận mình được lành.
+ Người thứ 7 nghĩ mình được lành do các thầy tế lễ
+ Người thứ 8 nghĩ trước khi gặp Chúa, bệnh của mình đã giảm rồi.
+ Người thứ 9…
Bạn có là 1 trong số 9 người đó, viện dẫn đủ lý lẽ để quên ơn Chúa? Nguyện Chúa giúp bạn nhớ lại ơn phước Ngài ban để cảm tạ không thôi. “Có một người trong bọn họ thấy mình đã được sạch, bèn trở lại, lớn tiếng khen ngợi Đức Chúa Trời; lại đến sấp mặt xuống đất, nơi chân Đức Chúa Jesus, mà tạ ơn Ngài” (Lu-ca 17:11-19). Chúa Jesus đáp: “Hãy đứng dậy mà đi, đức tin ngươi đã cứu ngươi”. Hãy đi và nói về sự chữa lành; làm chứng, chia sẻ, làm điều gì đó… cho Chúa.
“Hãy tạ ơn Đức Chúa Cha, Ngài đã khiến anh em có thể dự phần cơ nghiệp của các thánh trong sự sáng láng” (Cô-lô-se 1:12)
Kết luận
Tác giả Emman Bombeck với quyển “Nếu có thể làm lại từ đầu”, kể chuyện một bé gái nghèo 8 tuổi bị ung thư. Khi được hỏi bé muốn gì trong ng ày sinh nhật? Suy nghĩ thật lâu, cô bé đáp: “Bệnh viện đã cho con 2 tập sách tô màu và một số hình để dán. Cảm ơn Chúa, như vậy là đủ lắm rồi! Con không ước mơ gì thêm”.
Giáo sĩ Jonathan Goforth kể: một bé gái ở miền quê Trung Quốc tin Chúa qua lớp Thánh Kinh Mùa Hè do các giáo sĩ tổ chức. Thức ăn chính ở đây là cá, một năm 365 ngày ăn cá, vì thịt rất đắt. Mỗi năm dân làng chỉ được ăn thịt 1 ngày – ngày cúng thần biển.
Như mọi năm, năm ấy đến ngày cúng thần biến, mọi người trong nhà rủ em đi đến chỗ cúng bái để được ăn thịt. Dù rất thèm thịt, nhưng em đã quyết đi thờ phượng Chúa. Trưa về, ngồi một mình trong nhà, em cầu nguyện: “Cảm ơn Chúa vì hôm nay con vẫn ăn cơm với cá!”.
Đây là ý nghĩa của sự cảm tạ, qua nếp sống mỗi ngày, qua hành động sống cho Chúa, làm chứng về Chúa, hy sinh… Sự cảm tạ này làm sáng danh Đức Chúa Trời. “Song, TẠ ƠN Đức Chúa Trời, Ngài làm chúng tôi được thắng trong Đấng Christ luôn luôn, và bởi chúng tôi, Ngài rải mùi thơm về sự nhận biết Ngài khắp chốn” (II Cô-rinh-tô 2:14)
“Nguyện Chúa giúp ta sống cảm tạ Ngài mỗi ngày. Nguyện Cha ban ơn, thêm sức để ta có thể biết ơn Ngài trong mọi hoàn cảnh và chia sẻ những gì mình có cho những ai có nhu cầu. Amen!”.
(Nguồn: Vietchristian // Ảnh: Pixabay)