Các nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu ở miền nam Israel đã tìm thấy tàn tích của vải len dệt thoi, nhuộm màu tím hoàng gia tại thung lũng Timna – một khu sản xuất đồng vào thời vua Solomon.
Qua carbon phóng xạ, các mẩu vải được xác định niên đại khoảng 1.000 năm trước Công nguyên.
Thời cổ đại, vải màu tím là một mặt hàng xa xỉ dành cho giới quý tộc, tăng lữ và hoàng gia. Thuốc nhuộm được sử dụng để tạo màu có nguồn gốc từ một số loại động vật thân mềm ở cùng biển Địa Trung Hải, được trích xuất từ một tuyến trong cơ thể động vật thân mềm bằng quá trình hóa học phức tạp.
Màu đặc biệt được đánh giá cao thời đại đó gọi là ‘tím Tyrian’. Tờ ‘Times of Israel’ viết: ‘để đến được khu vực mỏ đồng của vua Solomon lừng lẫy ở Timna, gần bờ Biển Đỏ, tấm vải phải đi qua hàng trăm cây số – càng làm tăng thêm uy tín và giá trị của nó”.
Bà Naama Sukenik – phụ trách mảng tìm kiếm ‘vật chất hữu cơ’ thuộc Cơ quan Cổ vật Israel – gọi việc phát hiện ra những mảnh vải màu tím là ‘rất thú vị và quan trọng’.
“Đây là mảnh vải đầu tiên tìm thấy từ thời David và Solomon, được nhuộm bằng loại thuốc nhuộm màu tím danh tiếng, tuyệt đẹp, không phai và khá khó sản xuất; được trích xuất từ cơ thể động vật thân mềm với số lượng ít, trở thành loại thuốc nhuộm giá trị hơn cả vàng” – bà Sukenik cho biết.
“Phát hiện này cung cấp bằng chứng về ngành công nghiệp dệt nhuộm từ thời kỳ đồ sắt” – bà thêm – “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có bằng chứng trực tiếp về các loại vải nhuộm, được bảo quản trong khoảng 3.000 năm”.
Ông Erez Ben-Yosef – giáo sư khoa Khảo cổ, Đại học Tel Aviv – cho biết các cuộc khai quật di chỉ Timna đã được tiến hành từ năm 2013. “Những khám phá về dệt may mang đến một cái nhìn độc đáo về cuộc sống thời Kinh Thánh khi tìm kiếm cung điện của vua David”.
“Vua David có thể không thể hiện sự giàu có của mình trong những tòa nhà lộng lẫy, mà bằng những đồ vật phù hợp hơn với ‘di sản du mục’ như hàng dệt may và đồ tạo tác” – ông Yosef thêm.
Thảo Phạm lược dịch
(Nguồn: ChristianPost)