Nhưng nếu bạn cam kết bước đi trong sự vâng phục, sống để làm vinh hiển danh Chúa thì khi thử thách đến, bạn có thể bám chặt lấy Ngài – Đấng không bao giờ bỏ rơi bạn.
Dù không thể biết trước tương lai, điều khôn ngoan nên làm là đặt ra một số câu hỏi quan trọng trước khi kết hôn. Cách người bạn đời đối xử với nhân viên phục vụ, với anh em trong Hội Thánh, cách họ sử dụng thời gian, giữ gìn sự thánh khiết, sử dụng tiền bạc… bạn sẽ ít nhiều biết người phối ngẫu của mình sẽ thế nào trong tương lai.
Khi đang đắm chìm trong tình yêu thật khó có thể nhìn rõ mọi việc. Đôi khi ta không hề muốn nhìn rõ, vì có thể khiến ta phải kết thúc sớm, nói lời tạm biệt với người mình đang say đắm. Nhưng nếu yêu Chúa và lời Ngài, hẳn ta sẽ tìm kiếm khôn ngoan từ nơi Ngài (Gia-cơ 1:5). Và cách tìm kiếm sự khôn ngoan từ Chúa là đặt câu hỏi về người ấy, 7 câu dưới đây có thể giúp bạn:
1. Người ấy đối với Chúa
“Điều xuất hiện trong tâm trí khi ta nghĩ về Đức Chúa Trời là điều quan trọng nhất về con người ta” (A.W.Tozer). Là người tin Chúa, đối với bạn yếu tố quan trọng nhất về người phối ngẫu là cách họ nghĩ về Chúa. Không chỉ điều họ tin, mà còn cả cách họ yêu mến Chúa và tận hiến. Người phù hợp nhất để cùng xây dựng cuộc đời là người hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí, hết sức lực mà yêu mến Chúa (Lu-ca 10:27).
2. Người ấy với Hội Thánh
Hội Thánh là ‘nàng dâu’ của Đấng Christ. Nếu người ấy yêu kính Chúa, họ sẽ yêu mến ‘nàng dâu’ của Ngài. Họ sẽ xem trọng việc tham dự các buổi nhóm thờ phượng (Hê-bơ-rơ 10:25); không nhạo báng, nói xấu các thành viên trong thân thể Chúa; khiêm nhường trò chuyện và lắng nghe lời khuyên dạy, sửa trách của người tin kính Chúa. Nếu cảm thấy không có gì để đóng góp, không học hỏi điều gì từ Hội Thánh, điều này cho thấy họ thiếu tình yêu đối với những điều từ chính Chúa.
3. Người ấy có yêu mến lời Chúa?
Người ấy của bạn có hết lòng tìm kiếm Lời chúa không? (Thi thiên 119:2). Có thể họ chưa trọn vẹn vì không ai trọn vẹn, nhưng họ có không ngừng nỗ lực để trở nên giống Chúa mỗi ngày? Họ có chịu ngồi dưới chân Chúa, lắng nghe Ngài như Ma-ri? Thời gian đầu tư vào lời Chúa trực tiếp ảnh hưởng đến tình yêu của ta với Chúa và ước muốn được tăng trưởng trên hành trình theo Ngài.
4. Người ấy có tôn trọng bạn?
Người ấy có tôn trọng bạn? Gây dựng hay hủy hoại bạn bằng lời nói? Con người có thể sẽ thay đổi, nhưng ta kết hôn với một người vì hiện tại của họ chứ không phải vì họ có thể trở thành ai. Cách người ấy trò chuyện với bạn, nói về bạn… bộc lộ sự tôn trọng hay ngược lại.
Người ấy có tôn trọng bạn trong hành động? Tất cả đều có thể được tha thứ, cả thói giận dữ bộc phát, nhưng nếu bạn tiếp tục hẹn hò với một người không muốn, không nỗ lực thay đổi thói quen xấu không chỉ thiếu khôn ngoan mà còn nguy hiểm.
Nếu người ấy thường gây áp lực, ép buộc, lôi kéo bạn vào tình dục, xa rời sự thánh khiết trước hôn nhân và vinh hiển danh Chúa. Hôn nhân không phải để giải quyết ham muốn tình dục. Nếu người ấy lôi kéo bạn sa vào ham muốn nhục dục, xem phim ảnh thiếu lành mạnh, thiếu tự chủ khi hẹn hò… chắc chắn điều đó sẽ theo họ bước vào hôn nhân nếu không chịu xử lý, ăn năn. Trong ân điển Chúa có sự tha thứ, có thể làm lại từ đầu. Nhưng 2 bạn nên thảo luận chứ không nên phớt lờ.
5. Người ấy đối xử với mọi người thế nào?
Có câu: cách một người đàn ông đối xử với mẹ và chị em gái sẽ là cách anh ta đối xử với vợ sau này. Tương tự, cách người ấy đối xử với người lạ cũng sẽ bày tỏ cách họ nhìn nhận về con người và giá trị, nhân phẩm của con người. Cách họ đối xử với người xung quanh: bạn bè, gia đình… sẽ hé lộ cách họ có thể sẽ đối xử với bạn trong hôn nhân sau khi tuần trăng mật kết thúc.
7. Người ấy sử dụng thời gian, tiền bạc, ân tứ… ra sao?
Người ấy của bạn “không tham tiền bạc” (Hê-bơ-rơ 13: 5)? Cách họ kiếm tiền, ban cho và sử dụng tiền có ưu tiên bày tỏ tình yêu Chúa? Chắc chắn cần nhiều thời gian để phát triển thói quen. Nhưng thật khôn ngoan khi nghĩ đến cách cả hai sử dụng những gì mình sở hữu, bởi cuộc sống và hôn nhân liên quan rất nhiều đến các quyết định tài chính và cách quản lý những gì Chúa ban cho.
Cách họ sử dụng thời gian nói lên nhiều điều. Họ có hết lòng với người khác, làm việc cật lực và nghỉ ngơi đúng đắn? Hay xem công việc như thần tượng, bỏ mặc trách nhiệm? Cân bằng hợp lý giữa công việc và nghỉ ngơi là khó. Quan trọng là phải quan sát các thói quen này trong bạn và người ấy, cùng thảo luận xem làm thế nào để có thể cùng nhau tìm kiếm sự cân bằng hợp lý để làm vinh hiển danh Chúa.
7. Người ấy đối diện với thử thách…
Dù đây không phải khiếm khuyết trong tính cách nếu người ấy chưa từng gặp thử thách đáng kể trong đời, nhưng bạn cần nhìn thấy bạn đời đối phó với mất mát, đau đớn thế nào. Họ đối diện với bão tố, vượt qua mà vẫn giữ vững niềm tin nơi Đấng Christ?
Cuộc sống đầy dẫy những bực dọc, thất vọng. Người ấy phản ứng ra sao khi không có được điều mình muốn? Khi thất vọng, họ đối xử với bạn thế nào? Họ có đầu hàng mỗi khi gặp thách thức? Cách họ đương đầu với thử thách nói lên sự kiên nhẫn, sự vững vàng trong đức tin.
Hãy theo đuổi sự khôn ngoan, không phải sự hoàn hảo.
Sau cùng, trước khi đánh giá người ấy, hãy tự đánh giá bản thân. Bạn có phải là người lý tưởng mà bạn đời muốn ở cạnh? Bạn có thường xuyên cầu xin Chúa tỉa sửa thói tật xấu? Nếu không, danh sách câu hỏi trên có thể khiến bạn trở nên kiêu ngạo hơn khôn ngoan.
Việc đặt ra các câu hỏi không đảm bảo hạnh phúc hôn nhân, cũng không để tìm kiếm sự hoàn hảo – điều chỉ có thể có ở Chúa Jesus. Tất cả vì vinh hiển danh Chúa, và để bạn bước đi trong sự khôn ngoan. Bởi nhắm mắt làm ngơ không làm vấn đề biến mất. Hãy trò chuyện thấu đáo về mối quan tâm của bạn, dù có thể gây khó khăn, khó chịu, thậm chia tay, nhưng nếu thực sự yêu mến, tin cậy Chúa, bạn sẽ không sợ hãi khi đối diện.
Ban Truyền thông Phúc Âm Toàn Vẹn VN
(Nguồn: thegospelcoalition; Ảnh: Unsplash)