Kinh Thánh dạy rất rõ rằng Đức Chúa Trời – Đấng tạo hóa – đã tạo mọi điều kiện và ra lệnh cho con người làm việc, nên biếng nhác là ‘không khôn’, là tội lỗi: “Hỡi kẻ biếng nhác, hãy đi đến loài kiến; khá xem xét cách ăn ở nó mà học khôn ngoan” (Châm ngôn 6:6)
Người đời nói…
Càng nghỉ ngơi nhiều càng mệt mỏi. Nghe có vẻ vô lý, nhưng thực đúng như vậy. Ngủ nhiều quá, nằm ngồi nhiều quá khiến cơ thể bạn ì trệ. Càng không làm gì bạn càng mệt mỏi, uể oải. Càng uể oải, bạn càng không muốn làm gì – một vòng luẩn quẩn không lối thoát.
Trì trệ kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe do các cơ quan không vận động, cộng với tâm trạng tiêu cực sẽ gia tăng nguy cơ ung thư.
Nếu bạn cứ lơ ngơ cả ngày, lướt facebook, ăn, ngủ… bạn sẽ thấy mình thật vô dụng, cuộc sống chẳng ý nghĩa gì. Thân thể thì nhàn hạ, nhưng đầu óc hỗn loạn với mớ cảm xúc tiêu cực.
Cảm xúc tiêu cực khiến bạn yếu đuối, dễ tổn thương. Bạn khó chịu và dễ hiểu lầm người khác; mâu thuẫn, tranh cãi hủy hoại các mối quan hệ; rồi căng thẳng, trầm cảm… càng khiến bạn phạm nhiều sai lầm hơn, ‘nhàn cư vi bất thiện’ là vì thế.
Con người không bao giờ nên… quá rảnh. Hãy khiến mình bận rộn một chút, bạn sẽ quý những giờ phút thư giãn, nghỉ ngơi. Chỉ cần làm gì đó, dù nhỏ thôi, bạn sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu – đây cũng là ‘thuốc’ chữa lành tâm hồn. Có rất nhiều ‘bệnh’ do quá rảnh, quá nhàn mà ra cả.
Kinh Thánh nói…
Kinh Thánh có nói rất nhiều về sự rãnh rỗi do biếng nhác: “Sự ước ao của kẻ biếng nhác giết chết nó; bởi vì hai tay nó không khứng làm việc” (Châm ngôn 21:25); mê ngủ: “Kẻ biếng nhác lăn trở trên giường mình, khác nào cửa xây trên bản lề nó” (26:14); viện dẫn lý do để khỏi làm việc: “Kẻ biếng nhác nói có con sư tử ngoài đường” (26:13); lãng phí thời gian, năng lượng: “Kẻ thả trôi công việc mình cũng là anh em của kẻ phá hại”; tin rằng mình khôn ngoan hơn người nhưng thực ra là kẻ ngốc: “Kẻ biếng nhác tự nghĩ mình khôn ngoan hơn bảy người đáp lại cách có lý” (26:16)
Và hậu quả: kẻ biếng nhác trở thành đầy tớ hay con nợ: “Tay người siêng năng sẽ cai trị, nhưng tay kẻ biếng nhác phải phục dịch” (12:24); tương lai thật ảm đạm: “Vì có mùa đông kẻ biếng nhác chẳng cày ruộng; qua mùa gặt nó sẽ xin ăn…” (20:4); túng quẫn, ngặt nghèo: “Lòng kẻ biếng nhác mong ước mà chẳng có chi hết; còn lòng người siêng năng sẽ được no nê” (13:4).
Không có chỗ cho sự biếng nhác trong đời sống Cơ đốc, dù Cơ đốc nhân không được giải cứu bởi việc làm, nhưng đức tin được thể hiện qua việc làm (Gia cơ 2:18,26). Biếng nhác – vì vậy – chống lại mục đích của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Chúa đã trao quyền cho Cơ đốc nhân để vượt qua xu hướng xác thịt, lười nhác bằng cách ban cho ta một đời sống mới (II Cô-rinh-tô 5:17)
Khi được tạo nên mới, ta có động lực để siêng năng. Từ việc làm và làm việc, có ích cho bản thân, gia đình, Hội Thánh… tình yêu dành cho Đấng cứu chuộc cũng từ đó nảy sinh và giải cứu, giải phóng chúng ta.
Thiên hướng của chúng ta đối với ‘bệnh’ lười biếng (và tất cả tội lỗi khác) được thay thế bởi lòng khao khát lối sống tin kính: “Kẻ vốn hay trộm cắp chớ trộm cắp nữa; nhưng thà chịu khó, chính tay mình làm nghề lương thiện, đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu thốn thì hơn” (Ê-phê-sô 4:28).
Hơn thế, con người cần làm việc để đáp ứng nhu cầu bản thân và chu cấp cho gia đình mình: “Ví bằng có ai không săn sóc đến bà con mình, nhất là không săn sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa” (I Ti-mô-thê 5:8)
Tốt việc nhà mới ra việc làng…
Đỡ đần được cho gia đình, từ đó mới tới ‘gia đình của Chúa’ – tức Hội Thánh – “Chính anh em biết rằng hai bàn tay này đã làm ra sự cần dùng của tôi và của đồng bạn tôi. Tôi từng bảo luôn cho anh em rằng phải chịu khó làm việc như vậy, để giúp đỡ người yếu đuối, và nhớ lại lời chính Đức Chúa Jêsus có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh” (Công vụ 20:34-35).
Làm việc, hơn thế – siêng năng, tin kính – luôn được Đức Chúa Trời ban thưởng: “Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt. Vậy, đang lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin” (Ga-la-ti 6:9-10).
“Hễ làm việc gì hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chớ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng. Hãy hầu việc Đấng Christ…” (Cô-lô-se 3:23-24); “Đức Chúa Trời không phải không công bình mà bỏ quên công việc và lòng yêu thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài…” (Hê-bơ-rơ 6:10).
Làm xong ‘việc của mình’ mới có thể hoàn thành tốt ‘việc của Chúa’: “Ấy cũng là vì đó (Vương quốc Chúa) mà tôi làm việc, nhờ Ngài giúp đỡ mà chiến đấu, là sức hành động cách có quyền trong tôi” (Cô-lô-se 1:28-29); “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu” (I Cô-rinh-tô 15:58).
Thảo Phạm
(Tham khảo: Gotquestions; Ảnh: Unsplash)