Người bị liệt cột sống đứng dậy bước đi
Việc phẫu thuật rất tốn kém, nên chồng bà Gita, ông Babukaji – một tu sĩ Phật giáo – đã từ chối, một phần cũng do bà tin Chúa và ông không thích điều đó. Các bác sĩ cho Suroj 2 ngày quyết định nên để mẹ cậu sống trong nỗi đau khủng khiếp hay giải phẫu.
Suroj cầu nguyện, trình dâng mẹ cho Chúa rồi mạnh dạn nói với các bác sĩ anh chọn phẫu thuật. “Tôi cũng không biết sẽ nói thế nào với gia đình nếu lỡ mẹ chết” – Suroj nói. “Tôi cảm thấy rất đơn độc, không ai chia sẻ nên chỉ biết trò chuyện với Chúa qua lời cầu nguyện” – anh thêm.
Đêm đó, Suroj nghe tiếng gõ cửa. Một nhóm thành viên Hội Thánh địa phương tỏ ý muốn cầu nguyện cho bà Gita. “Sau 20 phút cầu nguyện, điều kỳ diệu đã xảy ra” – anh kể.
Bà Gita bất ngờ đứng dậy bước đi, dù bà đã không di chuyển trong nhiều năm. “Mẹ vừa khóc vừa ca ngợi Chúa” – Suroj nhớ lại. “Khuôn mặt nặng trĩu lo sợ, buồn rầu trước đây bỗng biến mất, thay vào đó là vẻ ngời ngời hạnh phúc” – anh kể.
Các bác sĩ cũng không tin nổi bà Gita trước đó và lúc này là cùng người! Ông Babukaji càng không tin vợ mình đã được chữa lành mà không cần phẫu thuật, cho đến khi ông tận mắt thấy bà không hề có vết sẹo nào. Sau đó, ông cùng với con trai Suman đều tin nhận Chúa.
Một trong số quốc gia Cơ đốc giáo phát triển nhanh nhất
“Những câu chuyện như vậy vẫn thường xuyên xảy ra ở Nepal” – anh Suroj – hiện là thành viên của Hội Thánh cho biết. Chính vì thế bất chấp bắt bớ và nghèo đói, các Hội Thánh ở Nepal vẫn phát triển vô cùng nhanh chóng. Quốc gia Nam Á này hiện nay là một trong quốc gia có số tín đồ tin Chúa tăng nhanh nhất thế giới – điều dường như không thể xảy ra ở quốc gia này. Và một trong số nguyên nhân là do phép lạ chữa lành liên tục xảy ra.
Suroj kể anh tin Chúa từ năm 8 tuổi, sau khi được chữa lành khỏi ngộ độc thực phẩm. “Các Hội Thánh phát triển nhanh chóng phần lớn là nhờ phép lạ” – anh Suroj khẳng định. “Rất nhiều người bị bệnh viện trả về đã đến Hội Thánh xin được cầu nguyện, và giờ họ đều là những người đứng đầu trong các Hội Thánh”.
Giáo sư Scott Moreau thuộc Đại học (ĐH) Wheaton College Intercultural Studies nói: “Thực tế không nhất thiết các ca chữa lành đều do khoa học. Khoa học không ‘đụng độ’ với tôn giáo; dù phép màu không hoạt động theo khoa học”. “Và mặc dù vô số phép màu không thể giải thích theo khoa học” – ông Moreau thêm – “nhưng chúng có thể được quan sát hoặc xác chứng bằng khoa học. Xưa nay cả thế giới vẫn công nhận phép màu tồn tại, Cơ đốc giáo phát triển khắp thế giới đã nhấn mạnh điều đó”.
Sự phát triển của các Hội Thánh ở Nepal
Năm 1951, trong một cuộc điều tra dân số của chính phủ, Nepal công bố quốc gia này không có một Cơ đốc nhân nào. Thế nhưng 10 năm sau – năm 1961 – số Cơ đốc nhân đã là 458. Hiện, nước này được xếp hạng là quốc gia Cơ đốc giáo tăng mạnh đứng thứ 12 trên thế giới với 1.285.200 tín hữu.
Ở một số nước, Cơ đốc giáo tăng nhanh là do di cư. Nhưng ở Nepal, sự tăng trưởng chủ yếu do cải đạo. Ước tính hiện nay Nepal có 4,25% dân số tin Chúa. Hầu hết người dân Nepal theo đạo Hindu – một tôn giáo đa thần lớn thứ 3 trên thế giới. “Cho đến năm 2008, Nepal vẫn là vương quốc của đạo Hindu” – Mục sư Tanka Subedi cho biết.
Mục sư Subedi lãnh đạo Hội Thánh Gia đình của Chúa (Nepal’s Family of God Church), Giám đốc Quỹ Học bổng Quốc tế Nepal cho biết: “Dù phần lớn người Hindu giáo sống trong hòa bình với người tin Chúa, nhưng nhiều người Hindu cực đoan chống đối rất dữ đạo Tin Lành. Ngay bản thân ông Thủ tướng Nepal cũng nói với ông chỉ có đạo Hindu mà thôi. “Truyền thông nhà nước và quan chức chính phủ tuyên truyền rằng Cơ đốc giáo đã phá hủy nền văn hóa của Nepal. Thật là một thách thức khi truyền giáo cho những người có tư duy như thế” – Mục sư Subedi kết luận.
Chính vì thế, áp lực và bạo lực mà các tín hữu Nepal phải chịu đựng từ những người Hindu quá khích khiến đất nước này bị xếp thứ 34 trong danh sách bắt bớ và đàn áp tôn giáo – theo Open Doors, Mỹ.
Mọi linh hồn đều quý giá trước Chúa
Ông Will Stark, Giám đốc khu vực Nam Á International Christian Concern nói: “Người Hindu sợ Cơ đốc giáo ‘đe dọa hệ thống đẳng cấp’ của họ. Họ tin rằng con người được ‘đầu thai’ dựa trên những gì đã làm trong tiền kiếp. Người xấu sẽ được đầu thai để làm những việc ô uế thuộc ‘đẳng cấp thấp’; người Hindu ‘đẳng cấp cao’ thường khinh dễ, cư xử tàn nhẫn với người ‘đẳng cấp thấp’. Trong khi đạo Chúa lại giảng mọi người đều quý giá và bình đẳng trước Chúa”.
“Phúc Âm dạy tất cả mọi người đều bình đẳng, và Chúa Jesus quan tâm đến từng người, cứu rỗi từng cá nhân. Không có chế độ đẳng cấp dựa trên việc phân chia giai cấp, phân tầng cộng đồng. Không có đáy của kim tự tháp nào cả” – ông Stark nhấn mạnh.
Trong khi ‘luật chống cải đạo’ của Nepal ghi: “Bất kỳ hành động cải đạo nào cũng cần bị trừng phạt”. Cách diễn đạt này cho phép cảnh sát cũng có quyền trừng phạt Cơ đốc nhân nếu họ nhắc đến tên Chúa Jesus nơi công cộng. Và những người cực đoan Hindu tấn công Cơ đốc giáo cũng biện minh cho hành động của mình rằng họ đang ‘thực thi pháp luật’.
Bishwa Raj Pokharel, phát ngôn viên của Cảnh sát Quốc gia Nepal nói: “Người ta có thể chọn tôn giáo họ muốn theo” – trong một tuyên bố với báo chí khi họ bị cáo buộc đã tấn công Cơ đốc nhân vì đức tin. “Nhưng người ta không thể lợi dụng hoàn cảnh của một người để khiến họ cải đạo. Luật pháp quy định bạn có thể thay đổi tôn giáo của chính mình, nhưng không được thay đổi tôn giáo của người khác”.
Bắt bớ, ngược đãi ngày càng tăng
Mục sư Subedi cho biết sự bắt bớ của chính phủ gia tăng gần đây. Năm 2019, chính phủ đã ‘tống cổ’ ông Cho Yusang, 73 tuổi, vào tù vì ‘tội phát tán Kinh Thánh’, khiến ông phải nhập viện vì sức khỏe.
Sau khi một trại trẻ mồ côi bị đóng cửa, Mục sư Hari Tamang đã đem lũ trẻ về nhà cho chúng tạm trú trong 10 ngày. Nhưng cảnh sát đã bắt Hari vì tội ‘buôn người và cố gắng cải đạo’.
Theo Tổ chức theo dõi đàn áp tôn giáo Open Doors, đàn áp Cơ đốc ở Nepal gia tăng trong năm 2020 tạo áp lực ngày càng cao đối với Cơ đốc nhân “trong mọi lĩnh vực đời sống”. Rằng chính phủ Nepal “gây khó dễ cho người theo Chúa”.
Đặc biệt, Mục sư Subedi cũng cho biết Trung Quốc và Ấn Độ đều ủng hộ chính phủ Nepal trong việc đàn áp Cơ đốc giáo. “Ấn Độ muốn Nepal vẫn giữ đạo Hindu, trong khi TQ lo ngại Cơ đốc giáo sẽ hỗ trợ các phong trào chính trị nhằm giải phóng Tây Tạng” – Mục sư Subedi nói – “Nhưng bất chấp bắt bớ ngày càng tăng, những người theo Chúa vẫn tiếp tục chia sẻ đức tin, và chính phủ không thể bắt giữ tất cả họ”.
“Chúng tôi đã từng bị đàn áp. Chúng tôi chưa bao giờ được tự do, và chúng tôi đã quen với điều đó” – Mục sư nói. Trong khi đó, Chúa vẫn tiếp tục làm những phép lạ lớn lao, từ trong Hội Thánh đến ngoài xã hội; vô số người được chữa lành khỏi các bệnh mà y học bó tay, cho thấy một Đức Chúa Jesus sống, trái ngược và hơn hẳn tất cả các vị thần Hindu huyền thoại của họ.
“Nếu đi sâu hơn vào Ấn giáo, bạn sẽ không tìm thấy gì cả, mà chỉ là những chuyện kể khác nhau về các vị thần khác nhau” – Mục sư Subedi tiếp – “Nhưng Đức Chúa Jesus là thật và chắc chắn. Chúa có thật trong lịch sử, cả thế giới đều biết và chấp nhận Ngài. Trong khi mọi người đang tìm kiếm một Thượng Đế thực mà bất kỳ người tin Chúa nào cũng cũng có thể cầu nguyện và nhận được phép lạ chữa lành!”.
Những cuộc đời được biến đổi
Anh Suroj nhấn mạnh rằng Cơ đốc giáo còn thay đổi đời sống tín hữu. “Khi một người tin nhận Chúa, cuộc đời anh ta được biến đổi. Cụ thể trước đó anh ấy nghiện rượu, nghiện thuốc… nhưng sau từ bỏ tất cả. Những người theo tôn giáo khác rất phấn khích, ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến điều này”.
Mục sư Subedi ước tính Hội Thánh tăng trưởng từ 5%-10% mỗi năm. “Người Hindu rất sợ Cơ đốc giáo, và càng sợ hơn khi thấy cộng đồng Cơ đốc ngày càng lớn mạnh; họ nói cứ đà này thì chỉ trong vài năm nữa, Nepal sẽ không còn ai theo đạo Hindu!” – anh Suroj nói.
Tuy nhiên trong một thế giới kết nối, không chỉ đạo Chúa mà nhiều tôn giáo khác đã lan rộng ra khỏi quê hương ban đầu của mình. Cụ thể Phật giáo đã trở nên phổ biến ở Mỹ suốt nhiều thập kỷ qua, và Ấn giáo ảnh hưởng không ít đến các bộ phim của Hollywood như “Chiến tranh giữa các vì sao”, “Ma trận”… Và ở Châu Á, Cơ đốc giáo phát triển nhanh chóng hơn bao giờ hết. “Có vẻ như người phương Tây thường thích các tôn giáo phương Đông, còn người phương Đông ngày càng tin vào Cơ đốc giáo – vốn xuất phát từ phương Tây” – Giáo sư nhân chủng học Brian Howell, Đại học Wheaton nói. “Tuy nhiên, chúng là 2 hiện tượng khác nhau. Ở phương Tây người ta tiếp nhận ảnh hưởng tôn giáo phương Đông theo kiểu chắp vá, thể hiện bản thân một cách cá nhân. Trong khi với Cơ đốc giáo, Cơ đốc nhân tìm thấy một cộng đồng mà họ có thể kết nối với toàn cầu”.
“Trong khi người Mỹ đề cao, tôn sùng tôn giáo phương Đông thì người Nepal lại mong muốn trở thành Cơ đốc nhân!” – ông Howell nói.
Gia đình của Chúa
Anh Suroj cũng cho biết tín hữu Nepal có xu hướng thích thờ phượng Chúa trong các Hội Thánh nhỏ dưới 100 người, dù cũng có một số Hội Thánh lớn. Các tín đồ ở nông thôn mong muốn những lời dạy thiết thực về cách sống và thực hành đức tin, trong khi tín hữu thành thị muốn nghiên cứu về thần học.
“Sự ban cho, sự ăn năn… tất cả những điều thiết thực này được chúng tôi dạy trong Hội Thánh. Chúng tôi cũng dạy về thần học nhưng ít thôi, vì tín hữu Nepal khoảng 60% ít chữ” – ông nói – “Họ thích nghe những điều thực tế hơn lý thuyết”.
Các thành viên của Giáo hội Nepal cũng giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau như gia đình. Anh Suroj thêm: “Cơ đốc nhân mới phải đối diện rất nhiều vấn đề từ gia đình đến cộng đồng. Và Hội Thánh giúp đỡ anh chị em Cơ đốc bằng mọi cách có thể. Chúng tôi như gia đình, giúp đỡ, quan tâm, dạy dỗ và hỗ trợ lẫn nhau”.
Mục sư Subedi cho biết Hội Thánh Nepal gặp rất nhiều khó khăn như nghèo đói, bị ngược đãi… nhưng nhu cầu lớn nhất vẫn là dạy Lời Chúa, giúp họ hiểu rõ niềm tin mình. Ông nói: “Đây là một trong số thách thức lớn nhất trong việc môn đồ hóa. Nhiều người không chịu đi học, nên chúng tôi cố gắng đến tận nhà để dạy Lời Chúa. Và nhu cầu rất lớn về việc đào tạo Mục sư, người lãnh đạo tại chỗ…”.
Cộng đồng Giao ước mới
Ông Moreau cho biết thêm rằng ở những quốc gia càng bị bách hại nặng nề, Hội Thánh ở đó càng phát triển. Các Hội Thánh tư gia sẽ tự tách ra khi lớn mạnh, và các tín hữu cam kết đứng vững, ra đi làm chứng. Các Hội Thánh nhỏ – vì thế – cũng giống như Hội Thánh thời Tân Ước.
“Nếu nhóm họp tại gia, Hội Thánh có xu hướng cơ hữu; nếu nằm trong các nhà thờ, Hội Thánh có xu hướng được lập trình nhiều hơn. Nhưng Kinh Thánh đã chỉ ra phương pháp phát triển cơ hữu là lý tưởng” – ông nói. “Ở các nước Hồi giáo, Hội Thánh cơ hữu phát triển nhanh hơn, đơn giản vì nếu lồ lộ xuất hiện nơi công cộng sẽ bị đóng cửa tức thì”.
Như Hội Thánh thời Tân Ước
Từng bị ghét và được ngưỡng mộ, đó là một cộng đồng mới mà mọi người yêu thích tham gia, ngay cả khi phải trả giá bằng gia đình và việc làm của họ. Nơi người bệnh được chữa lành, được giúp đỡ từ vật chất tới tinh thần; nơi người nghèo trở nên khấm khá; nơi biến đổi tội nhân, giúp người mất phẩm giá được phục hồi. Nơi mọi người muốn được trở thành Cơ đốc nhân, bất chấp sự ngược đãi… Chính vì thế mà Hội Thánh ngày càng tăng trưởng, nhân lên.
“Dù vậy, tin Chúa ở Nepal cũng có nghĩa bạn sẽ trở thành… công dân hạng hai. Bạn có thể bị ngắt kết nối với gia đình, bè bạn, công việc…” – Mục sư Subedi nói. “Theo Chúa Jesus ở Nepal vẫn còn là một sự hy sinh rất lớn. Trước đây còn lớn hơn, và giờ cũng không thay đổi nhiều. Chúng tôi vẫn bị coi là công dân hạng hai, bị ruồng bỏ và phải trả giá rất nhiều..”.
Thảo Phạm chuyển ngữ
(Nguồn: Christianpost; Ảnh: Open Doors, CP, AP)