Dù vậy, Kinh Thánh không lên án các hình thức nợ nần, không cấm việc vay mượn, chỉ cảnh báo và ủng hộ việc không mắc nợ. Kinh Thánh không lên án người mắc nợ; nhưng lên án gay gắt việc người cho vay trói buộc người vay trong nợ nần, túng quẫn, nghèo đói.
Ngoài ra, Châm ngôn 28:8 lên án việc cho vay nặng lãi: “Kẻ nào nhờ lời và sự ăn lời quá phép mà làm cho của cải mình thêm lên, tất chứa để dành của ấy cho người có lòng thương xót kẻ nghèo khổ”; nhưng không lên án nếu khoản lãi hợp lý: “Vậy thì ngươi phải đưa bạc của ta lại cho người buôn bạc, rồi khi ta trở về, sẽ lấy vốn và lời” (Ma-thi-ơ 25:27)
Ngoài ra, luật Do Thái xưa cấm tính thêm tiền lãi với người nghèo: “Nếu anh em ở gần ngươi trở nên nghèo khổ, tài sản người lần lần tiêu mòn, thì hãy cứu giúp người, mặc dầu là kẻ khách kiều ngụ, hầu cho người cứ ở cùng ngươi. Chớ ăn lời, cũng đừng lấy lợi người; nhưng hãy kính sợ Đức Chúa Trời mình, thì anh em ngươi sẽ ở cùng ngươi. Chớ cho người vay bạc ăn lời, và đừng cho mượn lương thực đặng lấy lời. Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, đặng ban cho các ngươi xứ Ca-na-an và làm Đức Chúa Trời của các ngươi” (Lê-vi-ký 25:35-38)
Thật là một luật nhân đạo, ý nghĩa về mặt xã hội, tài chính và cả thuộc linh. Thứ nhất Chúa nhân từ không muốn người nghèo bị đối xử tệ hơn, vì túng quẫn đã quá đủ tệ.
Thứ hai luật này hàm chứa bài học thuộc linh quan trọng. Đối với người cho vay, việc không tính lãi suất với người nghèo là làm lành, là hành động gia ơn, là cách bày tỏ sự biết ơn với Đức Chúa Trời về ân điển, lòng thương xót của Ngài. Rằng Chúa không bao giờ tính toán “lãi suất” với dân sự. Đấng đã mang dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, khi họ chỉ là những nô lệ không có gì, nhưng lại ban cho họ xứ sở của riêng mình, nên Ngài mong đợi họ cũng thể hiện tương tự với người nghèo quanh họ.
Đối với Cơ đốc nhân, sự sống, sự chết và sự sống lại của Chúa Jesus đã trả hết món nợ tội lỗi của ta đối với Đức Chúa Trời. Giờ, khi có cơ hội, ta có thể giúp người lúc có cần, đặc biệt đối với anh chị em đồng đức tin. Đức Chúa Jesus kể câu chuyện ngụ ngôn về 2 chủ nợ và thái độ của họ đối với việc “tha nợ”:
“Bởi vì người chẳng có gì mà trả, thì chủ dạy bán người, vợ con và gia tài người, đặng trả nợ. Kẻ đầy tớ này bèn sấp mình xuống nơi chân chủ mà xin rằng: Thưa chủ, xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả hết! Chủ bèn động lòng thương xót, thả người về, và tha nợ cho. Nhưng khi đầy tớ đó ra về, gặp một người trong bạn làm việc, có thiếu mình một trăm đơ-ni-ê, thì nắm bóp cổ bạn mà nói rằng: Hãy trả nợ cho ta! Người bạn sấp mình xuống mà nài xin rằng: Xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả cho anh. Song người chẳng khứng, cứ việc bắt bỏ tù cho đến khi trả hết nợ. Các bạn thấy vậy, buồn lắm, đến thuật lại cùng chủ mình mọi điều đã xảy ra. Chủ bèn đòi đầy tớ ấy đến mà nói rằng: Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao? Chủ nổi giận, phú nó cho kẻ giữ ngục cho đến khi nào trả xong hết nợ. Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy” (Ma-thi-ơ 18:23-35)
Tóm lại, Kinh Thánh không tuyệt đối cấm hay tán thành việc vay mượn nợ. Nhưng sự khôn ngoan của Lời Chúa dạy ta rằng mắc nợ không phải điều hay, không sáng Danh Chúa. Vì nợ nần thực chất biến ta thành nô lệ cho người mà ta vay mượn. Thậm chí có thể nói nợ nần, túng thiếu là “điều xấu”, là “sự rủa sả”.
Tuy nhiên, người làm ăn, kinh doanh có thể mắc nợ ngân hàng, nhưng tiền bạc có thể được xử lý một cách khôn ngoan, các khoản nợ có thể quản lý được. Sau cùng Cơ đốc nhân có thể ở dưới gánh nặng của nợ nần, tài chính nếu đó là điều tuyệt đối cần thiết.
Thảo Phạm
(Tham khảo: Gotquestions I Ảnh: Sosanhthoi, TC Tai chinh, Viet Giai tri, DNSG)