Không chỉ là phương tiện trao đổi, định giá, tiền còn có tác dụng nâng đỡ tinh thần. Và đâu chỉ thế gian mới cần tiền, công việc Chúa cũng rất cần tiền, khi mà con dân Chúa vẫn còn ở trong thế gian.
Tiền bạc chẳng có lỗi, điều đáng nói là tham muốn nó vô độ, bất chấp… “Còn như kẻ muốn nên giàu có ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn. Nhưng hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi, mà tìm điều công bình, tin kính, đức tin, yêu thương, nhịn nhục, mềm mại” (I Ti-mô-thê 6:11)
Lời Phao-lô nói với Ti-mô-thê cũng là nói với ta hôm nay, rằng không được để lòng mình vướng vào việc tham tiền của, vật chất.
“Vậy tôi phải làm sao?” – bạn hỏi. Cần chuyển tầm nhìn, mục tiêu, hướng đi của mình khỏi đích ngắm tiền bạc. Không phải ta không cần, loại bỏ tiền bạc khỏi đời sống. Vấn đề là cần diệt lòng tham, tránh bị cám dỗ, đeo đuổi tiền bạc như lẽ sống; nhưng hết lòng tìm kiếm sự công bình, tin kính, đức tin, yêu thương, nhịn nhục, mềm mại… những điều giúp ta chống lại tham muốn dẫn đến sự hủy diệt, bội đạo.
Khi lòng ta tin kính Chúa, nhận biết Chúa luôn công bình thì giá trị của tiền bạc được xác định, không còn là áp lực trên đời sống ta nữa. Mọi thứ được ban cho từ Chúa, Chúa biết nhu cầu và khả năng ta, nên Ngài sẽ ban cho ta đầy đủ vật chất lẫn tâm linh.
Không bao giờ Chúa hà tiện với con dân Ngài, Chúa muốn chúng ta quản lý tốt mọi tài sản Ngài giao, nếu ta sống tin kính và học công bình từ Chúa, sự ham mê tiền bạc sẽ không thể hại ta (Ma-thi-ơ 6:33); và rằng “trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài”.
Khi sống trong đức tin, tình yêu thương, ta sẽ biết sử dụng tiền bạc chứ không phải tiền bạc điều khiển mọi quyết định của ta. Ta cân bằng trong chi tiêu, khôn ngoan trong quản lý tài chính và rời rộng khi cần.
Chúng ta sống không chỉ để càng có nhiều tiền càng tốt, nhưng khi có lòng yêu kính Chúa, thì tình yêu của ta đối với tha nhân cũng không sai lạc. Và, nếu không thể tránh được những tranh chấp, vướng mắc hay nghi vấn rối rắm về tiền bạc; ta sẽ giải quyết mọi sự êm đẹp, hợp lý, khi ta học biết nhịn nhục, mềm mại. Ai cũng muốn phần lợi thuộc về mình, nhưng nếu bước theo Thánh Linh, bên ta luôn có một cố vấn luôn chỉ dẫn việc phải làm (Ê-phê-sô 4:2) “khiêm nhường đến điều, mềm mại đến điều, phải nhịn nhục, lấy lòng thương yêu mà chìu nhau”…
Sau cùng, ta phải luôn học tập Chúa để tránh mọi cám dỗ của lòng tham tiền bạc. Điều đó càng khó hơn với những người mang trọng trách trước mặt Chúa – những người chăn chiên.
M. Jeudi
(Nguồn: VietChristian; Ảnh: Unsplash)