Đức Chúa Jesus không đến vì lý do ích kỷ. Ngài đến để ban cho, không phải để nhận. Ngài đến để ban cho con người một cuộc sống ý nghĩa, có mục đích, vui mừng, bình an… Ta nhận được ‘cuộc sống dư dật’ ngay khi tiếp nhận Chúa (Giăng 4:42; II Ti-mô-thê 1:10)
Từ ‘dư dật’ tiếng Hy Lạp là ‘Perisson’ – là ‘vượt trội, rất tốt đẹp, rất lớn, dư, thừa, lớn lao hơn điều mà một người mong đợi’…
Tóm lại, Chúa Jesus hứa ban cho ta một đời sống tốt hơn rất nhiều so với tưởng tưởng. “Ấy là sự mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng người chưa nghĩ đến, nhưng Đức Chúa Trời đã chuẩn bị những điều ấy cho những người yêu mến Ngài” (I Cô-rinh-tô 2:9). Đức Chúa Trời có khả năng làm cho dư dật vô cùng hơn mọi điều ta cầu xin hoặc suy tưởng bởi quyền năng Ngài – là quyền năng hành động bên trong ta khi ta thuộc về Ngài (Ê-phê-sô 3:20)
Bạn từng tưởng tượng về một ngôi nhà đẹp, xe tốt, du lịch vòng quanh thế giới?… Nhưng Kinh thánh nói sự giàu có, uy thế, địa vị, quyền lực trong thế gian này không phải điều Đức Chúa Trời ưu tiên dành cho ta (I Cô-rinh-tô 1:26-29). Và đời sống dư dật không cốt tại của cải mình dư dật (Lu-ca 12:15). Vậy, Chúa Jesus có phải là người giàu có nhất? Ngược lại mới đúng! (Ma-thi-ơ 8:20)
Sống dồi dào, dư dật
Cuộc sống dư dật là sự sống đời đời, bắt đầu ngay khi ta tiếp nhận Chúa – Đấng cứu chuộc – được ban cho bởi Chúa Jesus: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3). “Hiểu biết về Đức Chúa Trời”, đó là chìa khóa cho một cuộc sống dư dật thực sự.
Vậy, sống dư dật là gì? Trước hết đó là dư dật thuộc linh, nhưng Chúa đảm bảo ta không phải lo lắng nhiều về vật chất, vì Ngài biết rõ ta cần gì và sẽ ban cho ta (Ma-thi-ơ 6:25-32; Phi-líp 4:19)
Hãy tập trung vào Chúa, “Nhưng trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33). Giàu hay nghèo không ‘ấn tượng’ gì trước mặt Chúa. Sa-lô-môn giàu có hơn mọi người trên thế gian, nhưng ông nhanh chóng nhận ra điều đó vô nghĩa (Truyền đạo 5:10-15); thật khác với một Phao-lô thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh (Phi-líp 4:11-12)
Sống đời đời
Là điều Cơ đốc nhân thật sự cần quan tâm, đây cũng là mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Khi ta tin nhận Chúa và đón nhận món quà là Đức Thánh Linh ấn chứng vào lòng, ta đã có sự sống đời đời (I Giăng 5:11-13). Và chiều dài của đời sống trên đất không đồng nghĩa với đời sống dư dật.
Cần tập trung vào “sự tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ” (II Phi-e-rơ 3:18)
Đời sống dư dật là quá trình tiếp diễn của việc học tập, thực hành và trưởng thành; cũng như sự thất bại, phục hồi, điều chỉnh, kiên trì khắc phục; bởi “chúng ta xem như trong một cái gương cách mập mờ” (I Cô-rinh-tô 13:12). Một ngày nào đó, ta sẽ thấy Chúa mặt đối mặt, và sẽ biết Ngài một cách trọn vẹn (I Cô-rinh-tô 13:12), sẽ không còn tranh chiến với tội lỗi, nghi ngờ… – một đời sống dư dật, đầy trọn cuối cùng.
Mặc dù bản chất tự nhiên của ta thường hướng về vật chất, nhưng là con Chúa, quan điểm của ta về đời sống phải được ‘đổi mới, biến hóa’ (Rô-ma 12:2). Ta chỉ trở thành ‘tạo vật mới’ khi đến gần Chúa (II Cô-rinh-tô 5:17), nên hiểu biết của ta về ‘sự dư dật’ cũng phải được biến đổi: dư dật yêu thương, vui mừng, bình an… – những đặc tính của trái Thánh Linh (Ga-la-ti 5:22-23), chứ không chỉ dư dật về vật chất.
Tóm lại, sự quan tâm của ta cần hướng về sự sống đời đời, không phải đời sống tạm bợ. “Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất vì anh em đã chết, sự sống mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời” (Cô-lô-se 3:2-3).
Ban Truyền thông Phúc Âm toàn vẹn VN
(Nguồn: Gotquestions I Ảnh: Pixabay)