Ví dụ, nếu ‘GPS’ (hệ thống định vị toàn cầu) trong điện thoại thông minh của bạn được cài đặt đến sân bay, nhưng bạn lại muốn tới trung tâm mua sắm, bạn sẽ thất vọng khi hệ thống định vị thông báo: “Quý vị đã tới nơi!” khi bạn thấy sân bay thay vì thấy trung tâm mua sắm! Và bạn than: “Chuyện gì vậy? Sao mình lại ở đây?”. Đơn giản hệ thống định vị đã đưa bạn tới địa điểm mà nó được lập trình.
Sứ đồ Phao-lô đã nói gì về ‘hệ thống định vị’ của ông? “Tôi nhắm mục đích mà theo đuổi, để đoạt giải về sự kêu gọi trên cao của Ðức Chúa Trời trong Chúa Cứu thế Jesus” (Phi-líp 3:14). Ông biết mình đeo đuổi điều gì, và GPS của ông đã được cài đặt. Dù gặp chướng ngại, nghịch cảnh, ông đều vượt qua và không bị chệch hướng.
Ðịnh vị của bạn được cài đặt thế nào? Có phải có nhiều bạn bè, có phải để nổi tiếng, để hưởng thụ cuộc sống? Có phải để trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình? Có phải để khỏe mạnh, hạnh phúc? Hay bạn sẽ nói: “Tôi thích tất cả những điều này!”?
Hầu hết con người thường ước ao những điều này, nhưng điều gì vượt trội hơn tất cả? Cần phân biệt vì nó quan trọng, nó quyết định đích đến của bạn. Có thể đường đi đến cuối có lúc giống nhau, nhưng tại một thời điểm nào đó trong hành trình, khi đến các ngã rẽ, bạn phải chọn hoặc đường này hoặc đường kia. Vậy đích đến cao nhất của bạn là gì? Nếu mục đích cuối cùng của bạn là sống trong sạch, đạo đức, tử tế, khỏe mạnh, đảm bảo tài chính… bạn sẽ kết cuộc tại một nơi như người thành niên giàu có trong Kinh Thánh có tất cả những điều trên, nhưng vẫn thiếu điều quan trọng nhất.
Nếu mục tiêu cuối cùng của bạn là có nhiều bạn bè, bạn sẽ thấy mình giống A-rôn dưới chân núi – trung tâm của cả cộng đồng – nhưng hoàn toàn xa cách tấm lòng của Chúa. Con bò vàng mà bạn chạm có thể làm an lòng bạn bè, người thân, nhưng cuối cùng bạn sẽ buồn bã phát hiện ra nó đã hướng bạn và những người này xa khỏi điều tốt nhất. Nếu đam mê của bạn là trở thành diễn giả, họa sĩ, nhà lãnh đạo nổi tiếng, hay đơn giản có lượng người theo dõi trên mạng xã hội đông đảo, bạn có thể đạt được điều này ngay trong vòng con dân Chúa, nhưng kết cuộc bạn sẽ giống vua Ô-xia chết trong cô đơn (II Sử Ký 26)
Có lẽ GPS của bạn cao quý, nhân văn hơn: bạn dâng hiến rộng rãi giúp người nghèo – thật cuốn hút nhiều người và là điều nên làm. Nhưng Phao-lô viết cho Hội Thánh Cô-rinh-tô, rằng ông có thể phân phát tất cả những gì mình có cho người nghèo, nhưng vẫn thiếu 1 điều (I Cô-rinh-tô 13:3). Bạn có thể nỗ lực trở thành người dâng hiến hào phóng nhất trong cộng đồng – mục tiêu đáng trân trọng. Tuy nhiên, A-na-nia và Sa-phi-ra – những thành viên ưu tú trong Hội Thánh ổ Jerusalem đã dâng phần lớn số tiền thu được từ việc bán đất, muốn phô trương sự dâng hiến và muốn được tôn trọng, nhưng lại rơi vào sự phán xét (Công vụ 5) với kết cuộc thật bi kịch.
Có lúc tôi cho mình là cao thượng, thiêng liêng. Suốt 18 tháng ngày nào tôi cũng thức dậy lúc 5 giờ và cầu nguyện đến 7 giờ; lớn tiếng kêu cầu: “Chúa ơi, xin hãy dùng con dẫn dắt nhiều người tin Chúa, giảng Lời Chúa đầy quyền năng, đem nhiều người vào vương quốc Ngài, chữa lành, giải phóng người ta khỏi tội lỗi”…
Hết ngày này đến ngày nọ tôi cầu xin tha thiết, hết lòng. Nhiều tháng trôi qua, và rồi một ngày Chúa phán với lòng tôi: “Con trai, lời cầu nguyện của con trật mục tiêu rồi!”. Tôi ngạc nhiên: Có điều nào tốt hơn, cao quý hơn để làm Chúa vui lòng hơn những điều tôi đã cầu xin? Tôi thắc mắc có phải Chúa phán hay không!? Làm sao tất cả các mục tiêu thuộc linh tuyệt vời này lại sai trật? Lập tức, Thánh Linh phán: “Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã từ bỏ mọi sự để theo Ta, là một trong 12 sứ đồ đi rao giảng Nước Trời, chữa lành người bệnh, dâng hiến cho người nghèo… nhưng Giu-đa hiện đang dưới hỏa ngục!”. Tôi run sợ, bị sốc đến lặng người, nhận ra Giu-đa có tất cả những điều tôi đang kêu cầu, nhưng ông mãi mãi hư mất. Có lẽ nếu ông rà soát lại hệ thống định vị bên trong mình, thì kết cuộc của ông không bi thảm đến thế. Nhận thấy mình có thể vô tình trở thành Giu-đa, tôi tha thiết: “Vậy mục tiêu thật của con là gì, Chúa ơi?!”
Môi-se chọn từ bỏ, tránh xa những thứ mà một quốc gia giàu có, hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ ban tặng. Phải chăng ông vẫn không thỏa lòng khi sống trong cung điện của Pha-ra-ôn? Không. Hệ thống định vị của Môi-se cho biết ông không thể đạt được ước ao thật sự của mình tại nơi ông đang sống, vì tác giả sách Hê-bơ-rơ chép: ‘Ông coi sỉ nhục vì Chúa Cứu Thế là quý hơn châu báu Ai-cập, vì ông trông đợi được tưởng thưởng’ (Hê-bơ-rơ 11:26)
Vậy thì phần thưởng mà Môi-se tìm kiếm là gì? Cái ngày bỏ cung điện ra đi, ông không biết đích xác phần thưởng đó là gì, nhưng ông biết có nhiều phần thưởng – đúng là có rất nhiều phần thưởng. Ông cứ đi và đã khám ra điều mình tìm kiếm.
Ðiều tương tự này cũng xảy ra với Môi-se, khi ông bỏ cung điện, biết rằng có nhiều điều phước hạnh hơn, nhưng ông không thấy phần thưởng cho đến 40 năm sau trong sa mạc, ngay tại bụi gai cháy, nơi ông gặp Chúa, kinh nghiệm sự hiện diện của Ngài. Khi điều này xảy ra thì hệ thống định vị bên trong của Môi-se đã được cài đặt chắc chắn. Sự hiện diện của Chúa là phần thưởng của ông, và bằng cớ của phần thưởng đã đến sau đó, sau khi ông dẫn dân Israel ra khỏi Ai Cập.
John Bevere
(Trích ‘Đời hay đạo?’ | Ảnh: Pixabay)