Suy nghĩ đầu tiên của tôi là… sờ trán thằng bé. Rồi nghĩ chắc định xin tiền nên nịnh tôi đây mà. Nhưng thằng bé không sốt và cũng không xin tiền. Vì thế tôi nghĩ chỉ có lòng biết ơn tuyệt đối mới có thể thúc đẩy thằng bé hành động như vậy. Cái ôm đó khiến tôi rất hạnh phúc, vì thằng bé thực sự biết ơn những gì tôi đã làm cho con.
Lòng biết ơn tốt hơn của lễ
Biết ơn là chìa khoá trong các mối quan hệ, nhưng quan trọng là bày tỏ lòng biết ơn. Một lời ‘cảm ơn’ đơn giản giúp chúng ta hiểu rằng mình đã nhận được thứ gì đó mà người tặng không có nghĩa vụ phải cho.
Lòng biết ơn giúp ta tránh được thái độ ích kỷ, coi mình là trung tâm; góp phần tạo nên thiện chí trong mối quan hệ. Không có lòng biết ơn, người tặng cảm thấy mình không được quý trọng, có thể chán nản, không muốn cho nữa.
Lòng biết ơn không chỉ quan trọng trong mối quan hệ của con người, mà còn trong mối tương giao với Chúa. Đa-vít – trước giả sách Thi thiên – biết rõ điều này. Ông ghi nhớ và liên tục bày tỏ, cảm kích những điều tuyệt vời Chúa làm. “Nguyện người ta cảm tạ Đức Giê-hô-va vì lòng nhân từ của Ngài. Và vì các phép mầu mà Ngài đã làm cho con loài người! Nguyện họ dâng tế lễ tạ ơn. Và thuật các công việc của Ngài với bài hát vui mừng” (Thi thiên 107:21-22)
Từ ‘biết ơn’ trong Kinh Thánh xuất phát từ chữ ‘eucharistos’ trong tiếng Hy Lạp. Một số nhà thờ truyền thống sử dụng chữ ‘eucharistos’ để đặt tên cho Tiệc Thánh (the Eucharist) – là ‘lưu tâm đến những ân huệ’, ‘ý thức về lợi ích nhận được’, ‘biết ơn’ hay đơn giản ‘cảm ơn’.
Cảm ơn không chỉ cầu nguyện trước khi ăn, mà còn là một trong số kỷ luật cơ bản của đời sống Cơ đốc. “Hãy thành tâm cầu nguyện, phải tỉnh thức trong lúc cầu nguyện và tạ ơn” (Cô-lô-se 4:2)
Những lời cầu nguyện của bạn có đầy lòng biết ơn? Cầu nguyện tạ ơn hơi khác với cầu nguyện ngợi khen, tôn thờ. Ngợi khen, tôn thờ ca tụng Đức Chúa Trời là ai, bản tính tuyệt vời của Ngài như thánh khiết, yêu thương, công chính… Nhưng tạ ơn cụ thể hóa lời cầu nguyện, thừa nhận mình được lợi như nào từ những gì Chúa đã làm; nhớ những món quà Chúa ban, tất cả các phước lành đến từ đâu: cuộc sống, sức khỏe, bạn bè, gia đình… tất cả đến từ Ngài. Để tỏ lòng biết ơn, bạn có thể dừng việc đang làm, chúc tụng Chúa lời giản dị: “Chúa ơi, con cảm ơn Ngài rất nhiều!”
Triệu lời cảm ơn
Một doanh nhân ở Texas đã phát cho khách hàng quyển sách của mình có tựa đề ‘A Million Thanks’ – ‘Triệu lời cảm ơn’; trong đó, từ ‘cảm ơn’ được lặp lại hàng triệu lần.
Chúng ta thường dừng lại để tạ ơn Chúa bao nhiêu lần/ngày? Nếu 3 lần/ngày, ta sẽ được khoảng 76.000 lần trong suốt đời người – còn lâu mới bằng triệu lời cảm ơn mà doanh nhân nọ dành cho khách!
Thức dậy nhìn thấy ánh mặt trời, bạn có cảm ơn Chúa? Mở tủ áo quần đầy ắp, bạn có cảm ơn Chúa? Nhìn các con, bạn có cảm ơn Chúa? Lái xe trên đường, bạn có cảm ơn Chúa?…
“Hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với anh em trong Đấng Christ Jesus” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18)
Tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh chính là ý muốn của Chúa dành cho bạn. Vì sự tạ ơn mang đến ích lợi cho ta nhiều hơn cho Chúa. Nó thay đổi ta, giúp ta tập trung vào Chúa, vào ân điển, sự tốt lành của Ngài, sự giàu có vô cùng trong Chúa…
Tạ ơn giúp ta ghi nhớ điều Chúa làm cho mình để sống đúng đắn, và tạ ơn tôn vinh Ngài nhất. Một đời sống biết ơn phản ánh vinh hiển Đức Chúa Trời. Vì vậy, cần quyết tâm bày tỏ thái độ biết ơn như Đa-vít: “Con sẽ hết lòng cảm tạ Đức Giê-hô-va. Con sẽ thuật lại các việc lạ lùng của Ngài. Lạy Đấng Chí Cao, con sẽ vui vẻ và hớn hở trong Ngài. Con sẽ ca tụng danh của Ngài” (Thi thiên 9:1-2)
Bạn muốn tạ ơn Chúa về điều gì? Bạn có thể kể ra 10-20 điều? Hãy dành một thời gian để cầu nguyện cảm tạ Chúa về những điều này!
Mary Kassian
(Nguồn: Phụ nữ & Niềm tin; Kasim dịch; Ảnh: Unsplash)