Cái dằm xóc bí mật
Chắc rằng cái dằm của Sứ đồ Phao-lô không giống như tôi, nhưng bản chất của nó giống nhau: gây đau đớn, khó chịu, làm thân thể yếu đuối, mệt mỏi. Ông nói “Và để tôi khỏi kiêu căng vì những mạc khải siêu việt, Chúa đã cho một cái dằm đâm vào thân xác tôi, một sứ giả của quỷ Sa-tan, để đánh tôi và làm cho tôi không kiêu căng. Đã ba lần tôi nài xin Chúa cho nó lìa khỏi tôi. Nhưng Ngài phán với tôi: Ân sủng Ta đủ cho con rồi, vì quyền năng của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vì vậy tôi rất vui mừng, tự hào trong sự yếu đuối của tôi, để quyền năng của Chúa Cứu thế có thể ở luôn trong tôi” (II Cô-rinh-tô 12:7-9)
Tôi không hiểu cái dằm ấy là gì, nhưng chắc chắn Phao-lô hiểu, rằng một vật gì đó mà sứ giả của satan đặt vào thân xác làm ông đau đớn, khó chịu đến nổi ông nài xin Chúa giúp…
Đây là đề tài mà nhiều người tranh luận để tìm câu trả lời, về cái dằm xóc bí mật này là gì? Kinh Thánh không nói rõ chi tiết về cái dằm xóc ấy, cảm ơn Chúa vì bí mật này!
Trong thư gửi cho người Ga-la-ti, Phao-lô có nói: “Thế thì niềm vui ấy của anh chị em đâu rồi? Vì tôi làm chứng cho anh chị em rằng: Nếu có thể được thì anh chị em cũng móc mắt hiến cho tôi” (Ga-la-ti 4:15). Rất có thể sứ giả của satan đánh vào mắt ông, làm ông khó chịu, đau đớn, yếu đuối, nhưng chắc không phải là lần ông gặp Chúa trên đường Đa-mách – ánh sáng của Chúa khiến ông bị lòa – sau đó Chúa sai A-na-nia cầu nguyện và mắt ông sáng trở lại.
Phía sau ‘cái dằm xóc’
Điều nầy quá rõ ràng, Phao-lô tiếp: “Và để tôi khỏi kiêu căng vì những mạc khải siêu việt, Chúa đã cho một cái dằm đâm vào thân xác tôi, một sứ giả của quỷ satan, để đánh tôi và làm cho tôi không kiêu căng” (II Cô-rinh-tô 12:7). Như vậy Chúa dùng sứ giả của satan đánh ông, ông cảm nhận điều đó để ông khỏi kiêu căng. Cảm tạ Chúa, Chúa rất yêu Phao-lô, Ngài cũng rất yêu những người hầu việc Ngài, không muốn ai đó rớt vào bẫy kiêu căng để nhận hậu quả là bại hoại (Châm ngôn 16:18).
Như vậy, quý tôi tớ Chúa sẵn sàng đón nhận ‘cái dằm xóc’? Nếu không hiểu ý Chúa, chúng ta rất dễ lằm bằm, oán trách Chúa: “Tại sao điều này xảy đến cho con?”.
Chúng ta thường thích những điều tốt đẹp, không thích những điều khó chịu, đau đớn, nhưng hãy chấp nhận mọi sự đến từ Chúa. Phao-lô nói “trong mọi hoàn cảnh, hãy cảm tạ vì đây là ý muốn Đức Chúa Trời cho anh chị em trong Chúa Cứu thế Giê-su” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18)
Ông nài xin Chúa 3 lần cho ‘cái dằm xóc’ lìa khỏi ông, nhưng Chúa phán: “Ân sủng Ta đủ cho con rồi, vì quyền năng của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vì vậy tôi rất vui mừng, tự hào trong sự yếu đuối của tôi, để quyền năng của Chúa Cứu thế có thể ở luôn trong tôi” (II Cô-rinh-tô 12:9). Chứng tỏ ‘cái dằm xóc’ còn khiến ông xấu hổ. Một Sứ đồ đầy quyền năng Thánh Linh, làm nhiều dấu kỳ, phép lạ… mà chính mình lại mang một ‘cái dằm’ khó chịu không thể giải quyết, chắc cũng có kẻ nhạo báng, thách thức: “Ngươi chữa lành cho người khác, sao không chữa lành cho chính mình?”.
Ai có thể hiểu điều Phao-lô gánh chịu? Chúa biết ông và ông cũng biết Chúa, dù thân thể có yếu đuối, nhưng quyền năng của Chúa Cứu thế luôn hiện diện trong ông là điều tốt lành, ích lợi cho nhiều người.
Mục đích của ‘dằm xóc’?
Một Phao-lô nổi tiếng trong Công vụ các Sứ đồ với chức vụ truyền giảng Phúc Âm cho dân ngoại. Cùng với Ba-na-ba, Thánh Linh kêu gọi 2 ông mở mang Hội Thánh khắp nơi. Ông đồng hành với Đức Thánh Linh, thông công mật thiết với Ngài, nhận được nhiều mặc khải siêu việt, được đem lên tới tầng trời thứ 3, được nghe những lời mầu nhiệm không thể nói ra… (II Cô-rinh-tô 12:1-6)
Những điều này có thể làm Phap-lô kiêu ngạo, nên một cái ‘dằm xóc’ giúp ông kềm chế lại. “Và để tôi khỏi kiêu căng vì những mạc khải siêu việt, Chúa đã cho một cái dằm đâm vào thân xác tôi, một sứ giả của quỷ satan, để đánh tôi và làm cho tôi không kiêu căng” (II Cô-rinh-tô 12:7)
Để quyền năng Chúa Cứu thế luôn ở trong ông, Ngài phán: “Vì quyền năng của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối”. Vì vậy, tôi rất vui mừng, tự hào trong sự yếu đuối của tôi, để quyền năng của Chúa Cứu thế có thể ở luôn trong tôi. Cảm tạ Chúa, chương trình của Ngài thật tuyệt! Một mặt Chúa giữ Phao-lô khỏi kiêu căng, mặt khác quyền năng của Ngài luôn ở trong ông. Tôi và quý vị có sẵn sàng chịu đau đớn, sỉ nhục, yếu đuối trong thân thể để được khiêm nhường, và quyền năng Chúa luôn ở với mình? Tôi sẵn sàng đánh đổi để được điều đó.
Lần nọ, khi tôi dạy môn “Làm thế nào để thoát xiềng xích của satan?”, suốt 2 ngày đêm vừa dạy, vừa cầu nguyện giải cứu cho các học viên, tôi thật sự thấm mệt nên thưa với Chúa: “Con cần nghỉ ngơi để lấy sức, hơn nữa Chúa bảo con phải điều độ…”.
Rồi tôi không nghe Chúa nói gì cả, tôi chỉ nghe nhiều anh em đang la hét, giải cứu một học viên có loại quỷ lì lợm, không chịu ra… Tôi tự hỏi bản thân giờ này mà ngủ nghỉ ư? Tôi trỗi dậy, lên phòng giải cứu, xin Chúa thêm sức mới, ‘Đồng hành với con nghe Chúa’ – tôi nói.
Vừa bước vào phòng nhóm thì một luồng gió thổi qua, tôi cảm nhận sự mát mẻ, tươi mới đến với mình, một sức mới lạ thường đánh bay mệt mỏi, yếu đuối. Tôi đặt tay lên các nhân sự để họ nhận lãnh sự xức dầu, tất cả ngã rạp dưới quyền năng của Thánh Linh. Chúng tôi hiệp một trong sự giải cứu, và thành công trong ca giải cứu đầy khó khăn với tà linh ương ngạnh.
Yếu đuối và mạnh mẽ
Đó là lần đầu tiên tôi kinh nghiệm lúc tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ.
Phao-lô dạy rất nhiều về đời sống mới trong Thánh Linh, như chết những gì thuộc về xác thịt – những công việc chết – thân thể hay chết, đời sống cũ tội lỗi, bước theo Thánh Linh; đời sống cũ đã được đóng đinh với Chúa Jesus trên thập tự giá (Rô-ma, Ga-la-ti)… kết hợp với sự chết của Chúa và sự sống lại của Ngài (Rô-ma 6:5)
Trong II Cô-rinh-tô, ông cũng nói rõ: “Chúng tôi luôn luôn mang sự chết của Đức Jesus trong thân thể mình để sự sống của Đức Giê-su cũng được thể hiện trong thân thể chúng tôi. Vì tuy vẫn sống, nhưng vì cớ Đức Giê-su chúng tôi luôn luôn bị đưa vào chỗ chết để sự sống của Đức Giê-su được thể hiện trong thân xác hay chết của chúng tôi. Điều này có nghĩa là sự chết hành động trong chúng tôi nhưng sự sống hành động trong anh chị em” (2 Cô-rinh-tô 4:10-12).
Mục đích của Chúa muốn Phao-lô đầy dẫy sự sống và quyền năng, nên đưa ông vào chỗ chết dù ông không muốn. Khi chết thật, sự sống của Chúa mới thể hiện, đem sự sống cho nhiều người. Bởi vậy nếu Mục sư không chết (Ga-la-ti 5:19-21) thì dân sự sẽ chết, Hội Thánh chết, và ngược lại!
Quý vị hầu việc Chúa rất có sẽ gặp vợ hoặc chồng, con cái, nhân sự, tín hữu… là ‘cái dằm xóc’ rất khó chịu, đau đớn, thậm chí nhục nhã, nhưng chúng ta không thể chạy thoát, Chúa đã đưa vào chỗ ‘chết’ thì hãy vâng phục, đừng cựa quậy.
Phao-lô tự hào trong sự yếu đuối của mình để quyền năng của Chúa Cứu thế luôn ở trong ông, ông sẵn sàng cam chịu sỉ nhục, gian khổ, bắt bớ, hoạn nạn… “Vì khi tôi yếu đuối, ấy chính là lúc tôi mạnh mẽ” (c.10)
Lời chứng của tôi
Khi tôi nhận lãnh quyền năng Đức Thánh Linh trong chức vụ truyền giáo mở mang vương quốc Thiên Đàng, thành lập Hội Thánh. Trước hết tôi nhận được từ Chúa sự chữa lành siêu nhiên bệnh sốt rét kinh niên, xuất huyết dạ dày cùng nhiều bệnh khác. Chúa cũng chữa lành vợ, con cái tôi qua chính sự đặt tay của tôi. Những kinh nghiệm này là nền tảng vững chắc không chút nghi ngờ về sự chữa lành của Chúa, khích lệ tôi bước đi truyền giáo, mở mang Hội Thánh cách dạn dĩ, chẳng chút sợ hãi nào, dù có lúc khó khăn, bắt bớ…
Nhiều người được chữa lành ung thư, xơ gan kỳ cuối, tim mạch, mắt mù được sáng, cận thị không cần đeo kính nữa, nhiều quỷ ra khỏi nhiều người trong quyền năng của Thánh Linh – quyền năng vĩ đại, siêu việt Chúa ban cho những ai tin (Ê-phê-sô 1:19-20; Mác 16:15-20)… Nhưng mắt của chính tôi vẫn thường đỏ rát, khó chịu, nhất là khi ra gió.
Tôi công bố, truyền lệnh hủy phá… nhưng nó vẫn trơ trơ, tôi kêu Chúa “lấy nó ra khỏi mắt con, con khó chịu lắm, nhiều người vấp phạm vì con mắt của con đấy!”. Thế nhưng Chúa phán với tôi qua câu Kinh Thánh: “Ân sủng Ta đủ cho con rồi” (II Cô-rinh-tô 12:9). Và tôi hiểu quyền năng của Chúa đã ban cho tôi dư dật, nếu không trục xuất được nó thì… đành chịu vậy, không phải kêu van nữa, vì Chúa đã ban uy quyền, quyền năng cho tôi rồi, tôi là người thực thi.
Cảm tạ Chúa, suốt 30 năm chức vụ, Chúa đã sử dụng tôi làm công cụ cho Ngài, đem lại hạnh phúc cho nhiều người, những cuộc đời được biến đổi lạ lùng, những phép lạ sờ sờ đến ngày nay. Riêng tôi mắt vẫn y nguyên! Vẫn rát, đỏ, khó chịu… nhưng tôi nhận được điều lớn lao hơn, đó là không còn cái SĨ nữa, tôi đã chết để Chúa sống trong tôi, đem lại sự sống cho nhiều người khác.
Có nhiều loại ‘dằm xóc’ vào thân thể mỗi người hầu việc Chúa, nhất là những người được ơn đặc biệt, mục đích Chúa giữ chúng ta không kiêu căng, để quyền năng sự sống của Ngài luôn ở trong thân thể ta, để cứu chuộc nhiều người. Phàm điều gì cũng tạ ơn Chúa. Con cảm ơn Ngài vì những cái dằm xóc Ngài đã cho phép nó đến trên con. Amen!
Mục sư Nguyễn Hữu Lực
(Ảnh: Unsplash)