Cái tên rất quan trọng đối với con người, vì là mấu chốt để tồn tại và liên hệ với thế giới. Tên không chỉ cung cấp thông tin, mà còn ít nhiều nói lên tính cách, bản sắc của người đó, giúp người khác ghi nhận và nhớ về họ như một giá trị trải theo dòng lịch sử…
Đặc biệt đối với người Do Thái, tên là một trong số yếu tố quan trọng nhất của con người vì nó xác định tâm hồn, bản chất của người đó.
Từ thời Abraham, khi một đứa trẻ Do Thái được sinh ra, quan trọng nhất trong sự kiện này chính là ý nghĩa tên gọi của đứa trẻ mà ông bà cha mẹ đặt cho. Phép cắt bì cho thấy sự liên hệ trong giao ước Do Thái, còn tên của đứa trẻ chứa đựng lời tiên tri định mệnh của đứa bé, hoặc sứ mệnh mà Chúa đã đặt cho nó.
Những cái tên có thể liên quan tới một sự kiện đặc biệt trong cuộc đời cha mẹ đứa trẻ, hoặc một hoàn cảnh đặc biệt khi sinh nó. Ý nghĩa của những cái tên rất quan trọng với người Do Thái cổ, và vẫn ý nghĩa đối với các gia đình Do Thái ngày nay.
Ở Do Thái, điều này được hiểu là lòng trung thành và tin tưởng vào Kinh Thánh. Cha mẹ có ba trách nhiệm trong việc đặt tên và rèn luyện đứa trẻ.
- Cha mẹ phải đặt tên cho con, và tên đứa bé phải mang ý nghĩa tinh thần để chúng có thể tự hào về tên của mình.
- Thường xuyên khích lệ, động viên con trong quá trình giáo dục.
- Xác định các quy tắc phù hợp để rèn luyện con cái dựa vào tính cách của từng đứa.
Xưa, mỗi chi phái của Israel đều có tên riêng, đại diện cho lòng trung thành với Chúa và sự vĩ đại của dân tộc Do Thái.
Trong đêm đen của cuộc lưu đày ở Ai Cập, việc Chúa nhắc Môi-se nhớ lại tên của tổ phụ không chỉ là truyền thống đức tin, nhưng chính là tầm nhìn hướng tới tương lai, cho phép họ tiếp tục hy vọng và trông cậy, nhận biết mình là một phần của dân tộc Do Thái, được hiệp nhất trong một giao ước vĩnh cửu với Đức Chúa Trời.
Truyền thống Do Thái còn cho biết tên gọi quan trọng ngay cả sau khi qua đời. Vì vậy việc đặt và ghi nhớ tên rất quan trọng, vì linh hồn và bản thể cư trú trong tên của ta. Người Do Thái rất chú trọng trong việc đặt tên cho con, bởi nó còn nói lên lịch sử và quá khứ gia đình, cũng như những kỳ vọng và phước lành dành cho đứa trẻ.
Thật không biết điều gì có thể lay động một gia đình Do Thái sâu sắc hơn việc đặt tên con. Trước khi thuật lại lịch sử Israel ở Ai Cập, 5 sách ngũ kinh của Môi-se đã dạy họ gốc rễ sự tồn tại của dân tộc Do Thái thông qua tên của mình. Bởi thế, người Do Thái coi việc đặt tên cho con chính là chìa khóa dẫn đến sự cứu chuộc – từng là chìa khóa cho cuộc xuất hành vĩ đại của dân tộc Do Thái khỏi Ai Cập xưa kia.
Châm ngôn 22:1 chép: “Lắm của cải đâu quý bằng danh thơm tiếng tốt, vàng với bạc nào trọng bằng được mến được thương”. Vua Sa-lô-môn dạy: “Danh thơm tiếng tốt hơn dầu quý giá” (Truyền đạo 7:1).
Tính cách, lời nói, hành động, việc làm đạo đức và cách ta đối nhân xử thế sẽ làm nên danh tiếng của chúng ta. Nghe đến tên Giu-đa người ta thường nghĩ về một kẻ phản bội; tên Cô-ra gợi nhớ đến những kẻ nổi loạn; và tên tên Giê-sa-bên vẽ ra bức tranh về một người phụ nữ dữ dằn, tự phụ, tư lợi.
Bằng việc gìn giữ hành động và lời nói, ta có thể bảo vệ danh tiếng của mình. Bằng việc đặt cho con một cái tên ý nghĩa, bạn có thể đặt chúng vào một tương lai với những mong muốn, hy vọng.
Chúa Jesus gọi 2 môn đồ Gia-cơ và Giăng là “con trai của sấm sét” (Mác 3:17). Trong Kinh Thánh hiếm có người nào tự đặt biệt danh cho mình, ngoại trừ bà Na-ô-mi bảo mọi người hãy gọi bà là “Ma-ra” – “cay đắng” – (Ru-tơ 1:20), bởi chồng con bà đều chết cả.
Tuy nhiên, cái tên mới Na-ô-mi tự đặt không gắn với bà lâu, vì những mất mát nặng nề đó không phải dấu chấm hết cho đời bà. Giữa lúc khổ đau, Chúa đã ban phước cho bà qua đứa con dâu là Ru-tơ – người về sau đã đem đến một gia đình rạng rỡ khác cho Na-ô-mi.
Dù có lúc chúng ta bị hoặc tự đặt cho mình những biệt danh cay đắng như “Kẻ thất bại”, “Kẻ xui xẻo”… dựa trên những khó khăn ta trải qua, lỗi lầm ta phạm phải, nhưng những cái tên đó không phải dấu chấm hết cho cuộc đời ta. Nên ta hãy thay những biệt danh đó bằng cái tên mà Chúa ban cho những người được Ngài yêu dấu (Rô-ma 9:25), tìm kiếm những cách mà Ngài chu cấp cho ta kể cả trong lúc khó khăn nhất.
Sau cùng, đối với Cơ đốc nhân, Kinh Thánh đã chỉ ra rằng chúng ta nên đặt tên phù hợp cho con trẻ, và dạy dỗ chúng theo đường lối của Chúa, cầu nguyện và chúc lành cho chúng bằng lời nói của mình khi đặt tay lên chúng. Đây cũng chính là quá trình gieo hạt giống tinh thần trong tâm trí con cái. Khi chúng trưởng thành, chúng sẽ không rời xa Chúa, không rời xa nơi đã gieo mầm hạt giống đức tin trong chúng.
Ban Truyền thông Phúc Âm Toàn Vẹn VN
(Tổng hợp từ ‘Mật mã Do Thái’ & ‘CĐN vì Israel Quốc tế’; Ảnh: nhiều nguồn)