Các nhà khảo cổ Israel tin rằng họ đã tìm thấy bằng chứng về sự kiện Kinh Thánh ở Kursi, một quận thuộc về dân ngoại của miền Đê-ca-bô-li, phía bờ đông biển hồ Ga-li-lê – Breitbart đưa tin.
Đây là nơi mà gần đây họ đã khai quật được một phiến đá cẩm thạch 1.500 năm tuổi với những dòng chữ Do Thái. Các nhà khảo cổ tin rằng phiến đá này là tấm bia kỷ niệm có niên đại từ khoảng năm 500 SCN. Dòng chữ bắt đầu với dòng “Được tưởng nhớ vì sự tốt lành”. Trên tấm bảng này, các nhà khoa học cũng xác định được các từ “Amen” và “Marmaria” – có thể ám chỉ đá cẩm thạch hoặc nói đến bà Ma-ri, mẹ Chúa Jesus.
Theo như mô tả của sứ đồ Mác, ‘phép lạ bầy heo’ diễn ra sau khi cư dân ở Kursi đã cố sức giữ một người đàn ông bị quỷ ám bằng cách xích ông ta lại nhưng vô ích. Ngày nọ, khi Chúa Jesus đến vùng này, trước sự kinh ngạc của người dân địa phương, người đàn ông chạy đến và cúi đầu trước Chúa Jesus và được Ngài giải cứu khỏi lũ quỷ.
Vào thế kỷ thứ V và thứ VI, một nhà thờ Cơ đốc đã được xây dựng để đánh dấu vị trí của địa điểm Kinh Thánh liên quan đến ‘phép lạ bầy heo’, nhưng nó đã bị phá hủy trong cuộc xâm lược của quân đội Ba-tư vào năm 614 SCN – Breitbart cho biết.
Nhà thờ được xây dựng lại, nhưng một lần nữa bị phá hủy, lần này do một đám cháy. Nơi này bị bỏ hoang trong suốt 1.300 năm sau đó; cho đến khi nó được phát hiện một cách tình cờ trong quá trình xây một con đường mới vào năm 1970.
Gần khu vực lân cận các tàn tích của nhà thờ, các hang động vẫn còn nhìn thấy được, có một ngọn núi sườn dốc hướng xuống biển, đúng như Kinh Thánh mô tả. Nhà biện giáo Cơ đốc Steve Ray nói với Breitbart News: vì Kursi có tu viện lớn nhất ở Israel, nên rõ ràng nó đã được các Cơ đốc nhân đầu tiên đánh giá rất cao.
“Các Cơ đốc nhân Do Thái đầu tiên đã ghi nhớ địa điểm và sự kiện xung quanh cuộc đời Đấng Christ, và ngay khi Cơ đốc giáo được hợp pháp hóa, các nhà thờ đã được xây cất trên những địa điểm khác nhau này” – ông chia sẻ – “Càng có nhiều khám phá khảo cổ, thì Kinh Thánh càng xác thực” – Ray nói.
Nguyễn Phương
(Nguồn: Breitbart)