Chúa hiện ra với Y-sác, bảo: “Con đừng xuống Ai-cập, con cứ ở lại xứ mà Ta sẽ chỉ bảo con. Hãy tạm trú trong xứ này, thì Ta sẽ ở với con, ban phước cho con. Ta sẽ ban cho con và dòng dõi con tất cả các xứ này và Ta sẽ giữ vững lời Ta đã thề với Áp-ra-ham, thân phụ con” (Sáng thế 26:1-3). Chúa bảo ông đừng xuống Ai-cập – nơi thoải mái – nhưng ở lại nơi Chúa đặt để.
Nhiều lần chúng ta rơi vào nơi khô hạn, điều đầu tiên ta nghĩ: “Mình sẽ ra khỏi đây!”. Đang cầu nguyện buổi sáng mà không cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, tâm trí ta bắt đầu nghĩ lung tung về tất cả những việc cần làm trong ngày… và vội vàng kết thúc cầu nguyện, bắt đầu xử lý danh sách những việc cần làm.
Nếu Hội Thánh ta đang nhóm có vẻ khô hạn, ta không hỏi Chúa mà quyết định luôn: Mình sẽ đến Hội Thánh nào sôi động hơn.
Nếu công việc kinh doanh của ta khô hạn, ta cân nhắc việc rút lui, tìm cơ hội khác… “Nếu ở lại đây, mình sẽ khô hạn, không bao giờ thấy kế hoạch của Chúa cho đời sống mình”.
Quá nhiều Cơ đốc nhân nghĩ như vậy. Họ chạy nhảy hết diễn đàn này đến diễn đàn nọ, hết hoạt động này tới hoạt động kia, lê la từ nhà thờ này cho tới Hội Thánh nọ, từ thành phố này tới thành phố khác… cố gắng tìm một nơi không khô hạn, thay vì đào các giếng đã bị lấp, đem nước tươi mát đến cho chính nơi khô hạn mà mình đang ở. Không, họ ‘chọn Ai-cập’ – tìm kiếm sự cứu giúp, sự an ủi, sự thoải mái từ thế gian.
Điều họ không hiểu là vào những thời điểm khô hạn, Chúa sẽ bày tỏ khải tượng Ngài cho họ. Chúa chuẩn bị chúng ta cho một nơi chốn mới, cao hơn, tốt hơn, và Ngài cho phép chỗ cũ khô hạn đi.
Chìa khoá là cần được dẫn dắt bởi Đức Thánh Linh! Nếu Ngài không nói gì, hãy ở lại chiến đấu tới cùng! Hãy xem những gì xảy ra cho Y-sác là kết quả của việc vâng lời và ở lại trong xứ: Y-sác gieo trồng trong xứ đó, năm ấy ông gặt hái được hơn trăm lần vì Chúa ban phước cho ông. Y-sác trở nên giàu có, của cải ngày càng gia tăng đến mức trở nên cực thịnh. Ông có nhiều bầy chiên bầy bò và nhiều tôi tớ nên bị dân Phi-li-tin ganh tị. Họ lấp tất cả các giếng mà Áp-ra-ham đã đào trước đó. “Y-sác khơi lại các giếng đã bị dân Phi-li-tin vùi lấp (…). Ông gọi các giếng ấy theo tên cha mình đã đặt” (Sáng thế 26:12-15,18).
Nguồn nước Y-sác cần để tưới ruộng vườn lấy từ việc đào lại các giếng của tổ phụ đã bị người Phi-li-tin lấp. Như Y-sác, nước mà ta cần cho sự tăng trưởng phải được múc từ các giếng nước đã được khai thông.
Dân Phi-li-tin tượng trưng cho thế gian và hệ thống thế gian. Thường khi sống gần thế gian, ta vô tình lấp đi các giếng nước của mình. Và điều vô cùng quan trọng là khai thông chúng để nhận nước cho linh hồn mình. Việc các lề thói, giá trị của thế gian xâm nhập vào Hội Thánh Chúa ngày nay đã che lấp nhiều giếng nước thuộc linh. Hội Thánh vốn được định là nguồn nước thuộc linh, lại trở thành nơi khô hạn vì đã bị thế gian, ma quỷ lấp hết các giếng nước thuộc linh.
Vậy Chúa có thể phục hồi Hội Thánh Ngài bằng dòng nước tươi mát? Tất nhiên! Tiên tri Ê-sai bày tỏ: “Chúa sẽ luôn luôn hướng dẫn ngươi; đáp ứng yêu cầu ngươi trong nơi đất khô hạn; Ngài sẽ làm xương cốt ngươi mạnh mẽ; ngươi sẽ như thửa vườn được tưới nước, như ngọn suối không bao giờ khô. Những người ra từ ngươi sẽ xây dựng lại những nơi cổ xưa đổ nát; sẽ lập lại các nền móng của nhiều đời trước. Ngươi sẽ được gọi là người sửa chữa tường thành đổ vỡ, tu bổ đường phố cho dân cư ngụ” (Ê-sai 58:11-12).
Như Y-sác không tìm kiếm đường riêng, nơi dễ chịu… chúng ta cũng sẵn lòng không làm theo ý riêng, sống đời riêng, nhưng tôn trọng Chúa, làm theo ý Ngài để được giống như vườn năng tưới, như suối nước sống không hề cạn, để qua ta, Chúa sẽ đem nước hằng sống của Ngài cho những người khô hạn, khao khát. Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta đào lại các giếng nước mà thế gian đã lấp.
John Bevere
(Trích sách: ‘Chúa ơi, Ngài ở đâu?’; Ảnh: Unsplash)