Nhưng cách bày tỏ lòng hiếu kính khác với phong tục tập quán của tín ngưỡng Trung Hoa. Sách cổ ghi chép rằng không phải người Việt cổ nghĩ ra việc hương đèn, cúng bái, mà phong tục này du nhập từ Trung Quốc cổ, thế nên bảo thắp hương để giữ gìn bản sắc cội nguồn sẽ không đúng.
Sách cho biết việc thắp hương bắt nguồn khoảng năm 3700 TCN (cách nay 5.700 năm) ở các nền văn minh cổ đại Đông Phương (Ấn Độ, Ai Cập, Babylon…). Hương được làm từ nhựa cây Boswellia có ở miền Nam Ả-rập và Somalia. Cùng với sự phát triển, các nền văn minh xưa cũng du nhập việc đốt hương, thờ cúng, bái lạy hình tượng. Kinh Thánh ký thuật việc nữ hoàng Sheba dâng tặng hương liệu cho vua Sa-lô-môn (I Các Vua 10:10).
Nguyên thủy, việc đốt cây cỏ có mùi hương để nhà cửa ấm áp, thơm tho, đôi khi có tác dụng xua đuổi côn trùng và có thể chữa một số bệnh về đường hô hấp, không liên quan gì đến việc cúng tế thần linh, người chết hoặc vong hồn…
Về sau, hương liệu được sử dụng trong các sinh hoạt tôn giáo ở nhiều nơi, nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc với đạo Phật và Bà-la-môn. Sử liệu cho biết thời gian du nhập khoảng thời hậu Xuân Thu (thời nhà Tần 221-206 TCN, hoặc nhà Hán 206 TCN – 220 SCN).
Trước đó, thời Khổng Tử, Lão Tử (TK 5-6 TCN) cũng có ghi chép việc cúng tế, bái lạy, nhưng chưa thấy có việc đốt hương. “Vào mùa xuân và mùa thu, người xưa trang trí bàn thờ tổ tiên. Họ bày các đồ đồng mà tổ tiên đã sử dụng và quần áo tổ tiên đã mặc. Họ dâng cúng thức ăn và hoa trái theo mùa” (sách Trung Dung – Khổng Tử)
Như vậy, nếu người Việt nếu có giữ tục hương khói cũng không phải bản sắc cội nguồn, mà là tập tục du nhập. Như vậy, việc kính hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ không bởi việc đốt nhang, khấn lạy bàn thờ. Bởi nếu không khói nhang là bất hiếu thì các ông Khổng Tử, Lão Tử… trở về trước thảy đều ‘bất hiếu’ hết. Hoặc từ khi chưa có việc hương khói thì người xưa không hề hiếu kính các bậc sinh thành?
Đâu là ‘hiếu’ thật?
Kinh Thánh là sách của Thượng Đế hay Ông Trời mà người Việt gọi, có dạy rất nghiêm về việc con cái phải hiếu kính ông bà cha mẹ, biết ơn tổ tiên. Ngay trong Mười Điều Răn, thì điều đầu tiên Đức Chúa Trời dạy: “Phải hiếu kính cha mẹ, để các ngươi có thể sống lâu trên đất mà Đức Chúa Trời các ngươi ban cho” (Phục truyền 20:12).
“Kẻ nào đánh cha hay mẹ mình sẽ bị xử tử” (Xuất 21:15); “Kẻ nào mắng cha hay mẹ mình sẽ bị xử tử” (c.17). “Ai nấy phải tôn kính cha mẹ mình và giữ những ngày sa-bát” (Lê-vi-ký 19:3); “Khi một người nào chửi cha mắng mẹ mình, thì phải bị xử tử: nó đã chửi rủa cha mẹ; huyết nó sẽ đổ lại trên mình nó” (20:9)
“Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, như Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi có phán dặn, hầu cho ngươi được sống lâu và có phước trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Phục truyền 5:16); “Đáng rủa sả thay người nào khinh bỉ cha mẹ mình!” (27:16)
“Hỡi con, hãy nghe lời khuyên dạy của cha, chớ bỏ phép tắc của mẹ con” (Châm ngôn 1:8); Hỡi con, hãy giữ lời răn bảo của cha, Chớ lìa bỏ các phép tắc của mẹ con” (Châm ngôn 6:20); “Ngọn đèn của kẻ rủa cha mẹ mình sẽ tắt giữa vùng tăm tối mờ mịt” (20:20); “Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu” (23:22)
“Vì Đức Chúa Trời đã truyền điều răn này: Phải hiếu kính cha mẹ ngươi; lại, điều này: ai mắng nhiếc cha mẹ thì phải chết” (Ma-thi-ơ 15:4); “Hãy thảo kính cha mẹ” (19:19a)
Đức Chúa Jesus cũng kịch liệt phản đối việc hiếu kính giả tạo, che đậy qua lễ nghi, phong tục… (Mác 7:9-13). Sứ đồ Phao-lô, Phi-e-rơ… cũng dạy dỗ rất cẩn thận về đức hiếu thảo với ông bà cha mẹ… “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi” (Ê-phê-sô 1:1-2).
Người Đạo Chúa vâng lời cha mẹ từ thuở nhỏ, lớn lên hết lòng phụng dưỡng, chăm nom cả khi cha mẹ còn sống khỏe lẫn lúc tuổi già. Ngày cha hoặc mẹ được Chúa cất về, thì cứ theo nghi lễ gia quyến mà chôn cất tử tế. Ảnh cha, mẹ thường treo nơi dễ thấy để tưởng nhớ. Mỗi năm tới ngày mất cũng có thể làm mâm cơm mời bà con, bạn bè, Hội Thánh… tới cùng cầu nguyện, hát Thánh Ca, chia sẻ kỷ niệm về người đã khuất thật trang nghiêm, tôn kính, không nhang đèn, cúng bái… Việc kính hiếu thiết thực, văn minh, không nhất thiết thắp hương, vái lạy cách hình thức, thậm chí hủ tục ai sao tôi vậy, ai bảo sao tôi làm vậy…
Chữ ‘hiếu’ theo sách ‘Tin Lành cho người Việt Nam’:
Thánh Kinh đã dạy rõ các tín hữu Tin Lành: “Vả, lúc trước anh em đương còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng, vì bông trái của sự sáng láng ở tại mọi điều trong nhân từ, công bình và thành thật. Hãy xét điều chi cho vừa lòng Chúa và chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm” (Ê-phê-sô 5:8-11).
Người Tin Lành phải hết lòng, thành thật yêu thương, phụng dưỡng cha mẹ khi họ tuổi già sức yếu, tôn kính tổ tiên, giữ danh thơm tiếng tốt cho gia đình, dòng họ.
Người Tin Lành quan niệm chữ hiếu chỉ có giá trị đích thực khi con cháu bày tỏ lòng hiếu thảo, báo đáp công ơn khi cha mẹ còn sống. Một món ăn ngon lúc đói lòng, một cái áo ấm khi trời lạnh, một lon sữa, thuốc men khi ốm đau; một lời thăm hỏi ân cần khi buồn bã… khi các cụ còn sống, sẽ giá trị muôn phần hơn mâm cao cỗ đầy, khóc than thảm thiết lúc họ đã khuất.
Khi con người qua đời, lập tức bước vào một thế giới khác do Chúa định. Nếu các cụ đã tin thờ Chúa thì được về Thiên Đàng với Chúa. Chúa Jesus phán: “Hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các con từ khi dựng nên trời đất” (Ma-thi-ơ 25:34).
Nếu chưa tin thờ Chúa, họ cũng sẽ vào một nơi đã định và chờ ngày phán xét, như Kinh Thánh khẳng định: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27).
Con người đã qua đời thì không thể liên lạc với trần gian, không thể ban phước hay giáng họa, càng không thể hưởng lễ vật gì dâng cúng. Phước hay họa đều do chính Chúa ban cho. Nên con người phải hết lòng biết ơn, kính thời Ngài mới phải lẽ.
Người xưa có câu: “Sống không cho ăn, chết bày cỗ, làm văn tế ruồi”. Người xưa cũng thực tế lắm! Khi con cháu cúng giỗ, không thể có chuyện người chết về ăn, chỉ người sống ăn uống, thậm chí nhậu nhẹt, cãi cọ… Giả sử nếu người chết về được, ngồi cạnh, ăn uống… liệu người sống có dám ngồi ăn chung? Nếu bảo phải nhang đèn, bài vị, cúng giỗ… mới có hiếu, vậy thì những người Âu, Mỹ, Úc và cả nhiều người Việt không làm như vậy đều bất hiếu? Trong cả năm, con cháu không cúng thì người chết lấy gì ăn để chờ tới ngày cúng giỗ?
Thế nên người Tin Lành không cúng giỗ. Nhưng chỉ là cuộc họp mặt để cầu nguyện tạ ơn Chúa, nhắc nhớ công ơn ông bà cha mẹ, xin Chúa ban sức khỏe cho người sống, rồi cùng ăn uống với nhau vui vẻ, thật thà. Người Tin Lành cũng rất tôn trọng, thăm viếng, chăm sóc mồ mả ông bà cha mẹ, người thân. Các nghĩa trang Tin Lành ở Âu Mỹ thường rất sạch sẽ, chu đáo… như những công viên đầy hoa lá. Người Tin Lành rất tôn trọng bà con thân thuộc, sẵn sàng giúp đỡ… những ai thiếu thốn. Nhưng những gì liên quan đến đức tin thì không trái Lời Chúa dạy.
Mặt khác, trên bàn thờ gia tiên thường chỉ thấy cha mẹ, ông bà nội ngoại… còn từ cố, sơ trở lên gần như không thấy thờ, nên cũng không có giỗ kỵ. Người Tin Lành tin rằng con người phải hết lòng thờ phượng Đức Chúa Trời mới là thờ đầy đủ nhất. Ngài là Đấng Tạo hóa của muôn loài vạn vật, cũng là Đấng cầm quyền phước họa trên đời sống con người. Thờ kính Đức Chúa Trời tức là tưới gốc, xanh tốt cả cây chứ không phải tưới cành, tưới ngọn. Người Tin Lành vâng lời Chúa dạy: “Các ngươi không được thờ thần nào khác ngoài Ta” (Xuất Ai-cập ký 20:3).
Như vậy, người Tin Lành thực tế rất hiếu thảo, nhưng theo kiểu của người Tin Lành, rất thực tế, khoa học, chứ không hề bỏ rơi ai. Rất mong quý vị hiểu và mau trở lại thờ kính Đức Chúa Trời – là Chân Thần – như người con đi xa trở về nhà Cha, Ông Trời, Thiên Phụ của chúng ta. Đó mới là hiếu thật, là sự thờ kính đẹp lòng Chúa, có ích cho bản thân vậy.
Ban Truyền thông Hội Thánh Phúc Âm Toàn Vẹn VN
(Tham khảo: Nguonhyvong.com; Ảnh: Unsplash)