1. Chúng ta được kêu gọi để trở thành môn đồ tại gia!
Mặc dù cách ly và sắp xếp học tập, làm việc tại nhà đã ngăn trở rất nhiều cuộc sống hằng ngày, nhưng nhiều người đã nhận ra một khía cạnh tốt: chúng ta cần dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Dù rất có thể ta phải đối diện nhiều căng thẳng, nhưng ta học được cách trân trọng gia đình, khi có thêm thời gian với những người thân yêu – điều mà ta thường bỏ qua khi cuộc sống quá bận rộn.
Đối với những bậc phụ huynh, quãng thời gian này cũng nhấn mạnh một chân lý quan trọng: chia sẻ Phúc Âm cho con cái là trách nhiệm của chúng ta. Khi thì giờ nhóm lại và học Trường Chúa Nhật ở nhà thờ bị tạm dừng, nhiều người trong chúng ta nhận ra rằng việc nuôi dạy con cái không thể phụ thuộc vào người khác và chúng ta phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc môn đồ hóa gia đình.
Cả nhà có thể cầu nguyện với nhau thường xuyên hơn, nhắc nhở các con đọc Kinh Thánh, nhóm gia đình lễ bái, dạy con Lời Chúa nhiều hơn… Đối với nhiều người vẫn khá khó khăn, nhưng việc đưa bản thân ra khỏi vùng an toàn để vâng phục tiếng gọi của Chúa là điều đáng để nỗ lực:
“Vậy hãy ghi lòng tạc dạ những lời tôi nói với anh em… Hãy dạy dỗ những lời đó cho con cái anh em, và phải nhắc đến khi anh em ngồi trong nhà cũng như lúc ra ngoài đường, khi anh em đi ngủ cũng như lúc thức dậy” (Phục truyền 11:18-19)
2. Đời sống Cơ đốc không chỉ là các buổi nhóm Chúa Nhật
Tham dự giờ thờ phượng Chúa mỗi tuần là thói quen ăn sâu vào nếp sống Cơ đốc, thật khó tưởng tượng việc không được đến Hội Thánh lâu như vậy. Tuy nhiên đây là cơ hội để ta nghĩ lại về đời sống Cơ đốc. Rằng Hội Thánh không chỉ là nơi tín hữu nhóm lại. Chúng ta phải chủ động xây dựng và duy trì cộng đồng đức tin trong bối cảnh hạn chế tập trung, cách nào có thể giữ liên lạc với các anh em trong Chúa, lắng nghe họ, giúp đỡ họ bằng những cách thiết thực về thuộc linh lẫn thuộc thể.
Đại dịch đã tái nhắc nhở chúng ta về chân lý cơ bản thường bị lãng quên: Mỗi chúng ta chính là Hội Thánh, là thân thể sống của Đấng Christ.
“Anh em (…) là người đồng hương với các thánh đồ và là thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời; anh em được xây dựng trên nền của các sứ đồ và các nhà tiên tri mà chính Đấng Christ Jesus là đá góc nhà. Trong Ngài, cả ngôi nhà được kết hợp với nhau và trở thành một đền thờ thánh trong Chúa. Trong Ngài, anh em cũng được xây dựng chung vào nhà đó, để trở nên nơi ngự của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh” (Ê-phê-sô 2:19-22)
3. Hãy trở lại khi có thể
Thành thật mà nói, sau khi không đi nhà thờ/Hội Thánh quá lâu, nhiều người đã… quen với điều đó. Mặc dù than thở về sự xa cách, về những buổi nhóm trực tuyến hạn chế về nhiều mặt… chúng ta bắt đầu tận hưởng sự thoải mái khi không phải ăn mặc chỉnh tề như khi đến Hội Thánh, không phải di chuyển xa, có thể thức dậy muộn, chỉ cần trước buổi nhóm 15 phút hoặc có thể xem lại video clip bất cứ lúc nào trên YouTube. Không có gì ngạc nhiên khi một số Hội Thánh có những tín hữu sau thời gian dài ‘cách ly’, họ không muốn đi nhóm như bình thường nữa.
Chắc chắn nhóm trực tuyến rất hữu ích đối với những người khó đi lại vì cao tuổi, vì công việc… Nhưng chúng ta đã thấy nhóm ở nhà có thể khiến ta phân tâm, ảnh hưởng tới thái độ thờ phượng… mối liên hệ với cộng đồng đức tin cũng ảnh hưởng nếu quá lâu không được gặp trực tiếp.
Tương tự thói quen đi nhà thờ, việc không nhóm lại cũng có thể trở thành thói quen khó bỏ. Sau khi các hạn chế do dịch bệnh, giãn cách dần được nới lỏng, các buổi nhóm bắt đầu trở lại… chúng ta hãy trở về, nhóm lại với tấm lòng và tinh thần đúng đắn: “Chúng ta hãy quan tâm khích lệ nhau về lòng yêu thương và các việc lành. Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau; nếu anh em thấy ngày của Chúa càng gần chừng nào thì càng phải làm như vậy chừng nấy” (Hê-bơ-rơ 10:24-25)
4. Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Khi cố gắng vâng theo lời kêu gọi của Chúa để giúp đỡ anh em mình và những người xung quanh đang gặp khó khăn, chúng ta tự hỏi mình có thể làm gì, giúp được gì với những người đang phải đối diện với các vấn đề nghiêm trọng như thất nghiệp, trầm cảm…?
Tuy nhiên bởi đức tin, chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhất có thể, và nhanh chóng nhận ra chúng có ý nghĩa rất lớn. Chúng ta khám phá ra đôi khi một hành động đơn giản như gọi điện thăm hỏi người thân “Khỏe không?”, mua thực phẩm cho hàng xóm… cũng có thể tạo nên sự khác biệt.
Không có gì ngạc nhiên khi Kinh Thánh ghi lại những việc nhỏ bé mà những người bình thường thực hiện, cho thấy Chúa khiến chúng trở nên to lớn theo cách đáng kinh ngạc. Như cậu bé đã dâng 5 cái bánh và 2 con cá, và hàng ngàn người được no nê. Nguyện chúng ta tiếp tục sẵn sàng bày tỏ tình yêu và lòng nhân từ của Chúa bằng các cách nhỏ bé, thiết thực.
“Ai cho một trong những người bé mọn này chỉ một ly nước lạnh, vì người ấy là môn đồ của Ta; thật, Ta bảo các con, người đó sẽ không mất phần thưởng của mình đâu” (Ma-thi-ơ 10:42)
5. Hãy lập kế hoạch, nhưng phó thác mọi việc trong tay Chúa
Nhiều người có các kế hoạch tuyệt vời cho năm nay: các dự án cho công ty, Mục vụ, Hội Thánh; những kỳ nghỉ, sửa nhà… cho đến khi covid phá hủy hầu hết, nếu không nói là tất cả các kế hoạch đó. Điều này nhắc nhở ta có thể lập mọi kế hoạch, nhưng cuối cùng mọi việc chỉ xảy ra nếu Chúa cho phép. Đại dịch nhắc nhở rằng Amọi sự khôn ngoan, khả năng… của ta đều vô nghĩa nếu không có Chúa.
Gia-cơ dạy: “Nhưng anh em không biết ngày mai sẽ thế nào”. Câu Kinh Thánh thật phù hợp cho thời kỳ này.
Điều đó không có nghĩa ta bỏ mặc, hành động hấp tấp hay sống một cách tùy tiện, liều lĩnh… Ta vẫn tiếp tục lập kế hoạch học tập, làm việc… một cách khôn ngoan, nhưng sự không chắc chắn của cuộc sống nhắc nhở ta hãy phó thác kế hoạch mình cho Chúa, Đấng duy nhất có thể khiến chúng xảy ra. Trong khi chờ đợi, hãy nắm bắt cơ hội bày tỏ tình yêu cho người khác, đừng bao giờ cho rằng ta luôn có ngày mai để làm điều đó.
“Bây giờ, hỡi anh em là những người đang nói: Hôm nay hoặc ngày mai chúng ta sẽ đến thành phố kia, ở đó một năm, buôn bán và kiếm lời. Nhưng anh em không biết ngày mai sẽ thế nào, sự sống của anh em là gì? Vì anh em chỉ như hơi nước, xuất hiện trong giây lát rồi lại tan ngay. Đúng ra anh em phải nói: Nếu Chúa muốn và chúng ta còn sống thì sẽ làm việc nọ việc kia” (Gia-cơ 4:13-15)
Ban Truyền thông Phúc Âm Toàn Vẹn VN
(Nguồn: Odb; Ảnh: Unsplash)